Thầy lang tuyên bố khỏi, phim chụp đốt trượt vẫn y nguyên
Bệnh nhân bị trượt đốt sống và muốn đi thầy lang thầy lang chữa trị. Bác sĩ cho chụp phim trước khi đi nắn. Sau mấy tháng “lăn lê bò nhoài, ăn ở” cùng thầy lang, bệnh nhân được thầy tuyên bố đốt sống đã được thầy trở về bình thường, hết trượt.
Bệnh nhân quay về và BS cho chụp lại phim kiểm tra. Hình ảnh chụp chiếu cho kết quả: Các đốt trượt vẫn y nguyên, thậm chí một số bệnh nhân tình trạng trượt đốt sống còn nặng nề hơn.
BS Trần Quốc Khánh, Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ, đã nhiều lần BS phải làm như vậy đối với các bệnh nhân bị trượt đốt sống tin tưởng vào sự chữa trị của thầy lang. Để chứng minh một điều: việc chạy chữa ở thầy lang khi bị trượt đốt sống sẽ chỉ là tiền mất, tật mang, mang thêm cho mình nỗi buồn thất vọng.
Lý giải về điều này, BS Khánh cho biết, để “nắn trượt” được đốt sống, các phẫu thuật viên phải phẫu thuật bộc lộ toàn bộ các đốt sống trượt, làm lỏng các tổ chức dây chằng - diện khớp, lấy bỏ đĩa đệm hỏng, bắt hệ thống ốc vít… Từ đó, mới hy vọng nắn trượt các đốt sống về được ít nhiều.
Cho nên, việc các thầy lang tác động bên ngoài da để “nắn trượt” được các đốt sống về vị trí bình thường là điều bất khả thi.
Việc nắn trượt đốt sống ở thầy lang có thể tình trạng bệnh nặng hơn. Ảnh minh họa. |
“Với bệnh lý cột sống, ít nhất các bác sĩ cũng phải thăm khám trực tiếp bệnh nhân, chụp phim X - quang và cộng hưởng từ cột sống thì cơ bản mới “định hình” được chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị. Thậm chí, với một số trường hợp còn phải tiếp tục hội chẩn, làm thêm nhiều những thăm dò khác như điện chẩn thần kinh-cơ, đo loãng xương, chụp cắt lớp vi tính, khảo sát xạ hình xương… mới tìm ra bệnh. Có thể nói, quy trình tìm và chữa bệnh cho một con người luôn vô cùng khắt khe và cẩn thận. Sự nhầm lẫn, sai sót… đôi khi phải trả giá bằng tính mạng bệnh nhân”, BS Trần Quốc Khánh.
Nguy hiểm khi “tiêm mò”
BS Khánh cho biết, không chỉ đối với việc “nắn trượt” đốt sống, mà việc bệnh nhân “tiêm mò” ở những cơ sở thiếu uy tín cũng gây hậu quả khôn lường.
BS Khánh chia sẻ về một ca bệnh, bệnh nhân nữ hơn 45 tuổi, trước khi nhập viện đã đi tiêm và châm cứu ở một thầy lang ở quận Long Biên.
Lúc vào viện, thể trạng bệnh nhân nhiễm trùng, lưng trái sưng tấy, nhức buốt, bệnh nhân không thể nằm ngửa do đau và do khối dịch chèn ép.
Trên siêu âm và phim chụp cộng hưởng từ cho thấy, dọc lưng trái bệnh nhân là khối áp xe rất to với dịch mủ bên trong. Bệnh nhân bị áp xe nhiễm trùng do tiêm chọc trong điều kiện không an toàn, không vô khuẩn.
“Việc người tiêm chỉ “sờ sờ nắn nắn” lưng cổ rồi tiêm thẳng vào chỗ đau là vô cùng nguy hiểm. Bởi, với những tổn thương rất bé ở sâu trong cột sống, làm sao người tiêm có thể tiêm “mò” đúng vào vị trí đó?
Chưa kể, thành phần, tác dụng và tác dụng phụ của thuốc tiêm liệu đã được kiểm soát hay chưa? Những nguy cơ tiềm ẩn sau mũi tiêm đó là gì, là áp xe, là tiêm vào mạch máu, chọc vào thần kinh, tiêm không đúng vào vị trí cần tiêm ... đều có thể xảy ra”, BS Khánh nói.
BS Khánh cho biết, ở những trung tâm y học lớn vẫn có phương pháp tiêm đó, người ta thường gọi là “phong bế”. Nhưng quy trình thực hiện vô cùng nghiêm ngặt và tiêu chuẩn vô trùng sẽ như một ca phẫu thuật. Người thầy thuốc luôn thực hiện mũi tiêm đó dưới sự “định vị chính xác” của máy chụp X – quang, siêu âm trong phòng mổ vô khuẩn.
“Đã rất nhiều lần tôi chỉ muốn “nói to lên” với mọi người “xin” đừng đi tiêm chọc, nắn bóp ở những địa chỉ không chính thống, ở những “thầy” chưa qua đào tạo bài bản về y học, sự hiểu biết về bệnh tật chỉ dừng lại ở kinh nghiệm, với những công thức “thuốc lá” không thể gọi tên, không thể biết rõ thành phần thuốc. Thậm chí, tôi đã từng chứng kiến một “thầy lang” cầm phim X - quang cột sống thắt lưng đọc nhưng cầm ngược, “thầy” vẫn tự tin phán bệnh như ai”, BS Khánh chia sẻ.