PGS.TS Nguyễn Như Hà, giảng viên cao cấp Bộ môn Nông hóa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, mỗi loại cây trồng có nhu cầu về lượng và tỷ lệ các chất dinh dưỡng khác nhau. Lượng và tỷ lệ các chất dinh dưỡng đối với mỗi cây trồng còn phụ thuộc vào loại phân bón được sử dụng và loại đất trồng.
Khi bón phân cần chú ý đến nhu cầu của cây, đặc điểm lý, hóa tính của đất trồng, năng suất thu hoạch mong muốn quyết định lượng phân bón phù hợp, cân đối nhằm ổn định và cải thiện đồ phì nhiêu của đất, chống rửa trôi, xói mòn, ô nhiễm môi trường, tăng năng suất thu hoạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm thu hoạch.
Đối với nông nghiệp, khi phát triển sản xuất ở mỗi vùng sinh thái phải biết đó là loại đất gì, đặc điểm thế nào, trên cơ sở đó cung cấp thức ăn cho cây trồng (bón phân) đúng chủng loại, số lượng.
Nhiều vùng nông nghiệp đang diễn ra tình trạng bà con bón thừa phân dẫn đến cây trồng cho năng suất thấp. Được biết, cây trồng cần tới 14 loại chất dinh dưỡng khác nhau và việc bón phân phụ thuộc từng loại đất. Bón phân trên đất phù sa, bạc màu, đất trũng… sẽ khác nhau vì khả năng dinh dưỡng của đất khác nhau.
Khi bón thừa sẽ ảnh hưởng vệ sinh an toàn thực phẩm, tồn dư nitơrat trong rau, gây ô nhiễm thực phẩm, ô nhiễm môi trường. Bón thừa đạm là nguyên nhân đưa đến sâu bệnh phát triển. Mô hình bón phân cân đối, giảm thiếu tối đa tồn dư hóa chất trong rau, tồn dư hóa chất trong đất, không cần phun thuốc trừ sâu… là mô hình Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu thành công và đang được nhân rộng ở nhiều vùng sản xuất.