Bộ và tỉnh đều muốn điều chỉnh Quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

(khoahocdoisong.vn) - Nội dung điều chỉnh mật độ xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tăng từ từ 35% theo phê duyệt trước đây lên tối đa 50% cho phù hợp hơn với yêu cầu phát triển.

"Cục bộ" là tăng mật độ xây dựng

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có các Văn bản số 3591/TTr-UBND ngày 25/5/2018 và Văn bản số 1073/TTr-UBND ngày 01/3/2019, và Bộ Xây dựng có Văn bản số 56/BXD-QHKT ngày 10/01/2019, đều có nội dung thống nhất đề nghị Thủ tướng đồng ý điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung đến năm 2025 xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Trước đó, ngày 14/6/2018, Văn phòng Chính phủ đã phát công văn số 5631/VPCP-CN, trong đó giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, nghiên cứu đề nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại Tờ trình số 3591/TTr-UBND về xin chủ trương điều chỉnh và ủy quyền tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025.

Sau đó, Bộ Xây dựng đã có công văn bản đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế làm rõ phạm vi, mức độ, nội dung điều chỉnh, các ảnh hưởng đến tính chất, chức năng, quy mô ranh giới, định hướng phát triển chung của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Đồng thời thực hiện đầy đủ trình tự lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức trong khu vực điều chỉnh quy hoạch và khu vực xung quanh có ảnh  hưởng trực tiếp đối với các nội dung dự kiến điều chỉnh cục bộ.

Tới ngày 04/01/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có báo cáo bổ sung gửi Bộ Xây dựng. Báo cáo này đã làm rõ các nội dung mà Bộ Xây dựng đã yêu cầu. Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giảm đề xuất, chỉ đề nghị điều chỉnh 5 nội dung, với các thành phần quan trọng nhất liên quan tới quy hoạch Khu công nghiệp và khu phí thuế quan, đề xuất điều chỉnh mật độ xây dựng tối đa từ 35% lên 50%.

Khu du lịch Lăng Cô và nghĩa trang Trường Đồng là đề nghị điều chỉnh tuyến đường du lịch tại khu vực Lăng Cô (đường Chân Mây) thành đường nội bộ khu du lịch. Mở rộng quy mô nghĩa trang Trường Đồng từ 3,5ha thành khoảng 20 ha.

Đối với Khu du lịch Bãi Chuối, điều chỉnh mở rộng khu du lịch Bãi Chuối (bao gồm khu vực bãi Chuối và bãi Cá) từ 120 ha lên 220 ha nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng đất, đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư, tận đụng tối đa các bãi cát tự nhiên, dòng suối tự nhiên, cho xây dựng công trình du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp. Đối với Khu du lịch Cảnh Dương: Điều chỉnh toàn bộ quy mô 270 ha đất du lịch sinh thái cao cấp thành đất du lịch cho kết hợp nhà ở đô thị.

Ngày 15/11/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản số 8812/UBND-XD gửi Bộ Xây dựng về việc chấp thuận chủ trương điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, kèm theo đó Hồ sơ điều chỉnh cục bộ chi tiết. Sau khi xem xét hồ sơ này, Bộ Xây dựng tiếp tục có văn bản (số 3277/BXD-QHKT ngày 27/12/2018) gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đề nghị rà soát, bổ sung thêm một số nội dung liên quan.

Sự thận trọng này của Bộ Xây dựng là cần thiết, vì thực tế các điều chỉnh của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vượt khỏi ý nghĩa "cục bộ", mà bản chất là tăng khá nhiều diện tích đất dành cho kinh doanh, du lịch...

Nhưng có ảnh hưởng tốt

Dẫu thế, có thể thấy Bộ Xây dựng đã đồng ý phần lớn với đề nghị của tỉnhThừa Thiên - Huế. Cụ thể, đánh giá về ảnh hưởng của việc điều chỉnh cục bộ đến Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, nội dung văn bản của bộ Xây dựng nhận xét: về tính liên tục, đồng bộ của quy hoạch chung sau điều chỉnh, việc điều chỉnh mật độ xây dựng trong Khu công nghiệp và Khu phí thuế quan nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, thu hút được các nhà đầu tư thực hiện đầu tư vào khu công nghiệp là phù hợp với quy định mật độ xây dựng gộp tối đa trong toàn khu công nghiệp, tiểu  thủ công nghiệp trong Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về Quy hoạch xây dựng QCXDVN 01:2008.

Nội dung điều chỉnh đất du lịch sang đất du lịch kết hợp nhà ở đô thị đối với Khu du lịch Cảnh Dương và khu vực phía Nam trục trung tâm Khu du lịch Lăng Cô sẽ tạo điều kiện triển khai quy hoạch thuận lợi do không phải đền bù, di dời dân cư hiện hữu. Việc chuyển đổi chức năng sử dụng đất sẽ không làm thay đổi lớn đến dự báo quy mô dân số và khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật được xác định trong quy hoạch chung đã được phê duyệt.

Các nội dung điều chỉnh về tuyến đường du lịch tại khu vực Lăng Cô, mở rộng quy mô nghĩa trang Trường Đồng về cơ bản không làm thay đổi các định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được xác định trong quy hoạch chung đã được phê duyệt. Do có vị trí tương đối biệt lập, việc mở rộng quy mô đối với khu du lịch Bãi Chuối không ảnh hưởng đến các chức năng khác của Khu kinh tế. Phần mở rộng quy mô nằm trong khu vực rừng sản xuất, không ảnh hưởng đến đất rừng phòng hộ đã quy hoạch.

Việc đề xuất điều chỉnh tầng cao tối đa của công trình cao tầng trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nhằm tăng hiệu quả đầu tư, tạo điểm nhấn về mật độ không gian, kiến trúc, cảnh quan là phù hợp. Tuy nhiên, chiều cao, vị trí cụ thể các công trình cao tầng sẽ được xem xét trong các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng và thiết kế đô thị cụ thể, đảm bảo tuân thủ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng.

Về hiệu quả kinh tế, Bộ Xây dựng nhận xét điều chỉnh cục bộ sẽ giảm kinh phí giải phóng mặt bằng và tái định cư, tăng hiệu quả sử dụng đất đai cũng như nguồn thu cho ngân sách từ quỹ đất, dễ thu hút đầu tư và thuận lợi cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, dịch vụ và du lịch.

Về hiệu quả xã hội, việc giảm thiểu giải tỏa các hộ dân đem lại hiệu quả tích cực về môi trường xã hội. Người dân không bị mất đất ở, mất cơ sở kinh doanh nên sẽ không phải chuyển đổi nghề nghiệp. Các hậu quả xã hội do người dân bị mất đất như không có công ăn việc làm ổn định, sử dụng sai mục đích tiền đền bù, các tác động tâm lý tiêu cực do thay đổi nơi ở, tâm linh do giải tỏa nghĩa trang...

Về hiệu quả môi trường, việc tăng chi tiêu cho lô đất xây dựng công nghiệp tập trung có thể sẽ kéo theo tăng lượng thải công nghiệp (nước thải, CTR) phát sinh. Tuy nhiên do là khu công nghiệp tập trung nên sẽ dễ dàng kiểm soát và xử lý. Việc quy tập các nghĩa trang, rác thải tập trung sẽ thuận lợi cho quản lý sử dụng lâu dài.

Theo Đời sống
back to top