Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính sáng 8/6, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga đã đề cập đến vấn đề giá xăng dầu tăng cao. Theo đó, đại biểu đặt vấn đề có nên xem xét giảm thuế với xăng dầu hay không khi mặt hàng này đã lên mức kỷ lục?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Mới đây, Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm 50% thuế bảo vệ môi trường từ 1/4 đến hết năm nay, khiến ngân sách Nhà nước giảm thu 24.000 đồng. Hiện còn dư địa giảm thêm 2.000 đồng mỗi lít thuế bảo vệ môi trường.
Theo quy định, Thường vụ Quốc hội chỉ có thẩm quyền giảm tiếp 1.000 đồng với loại thuế này. Còn thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế nhập khẩu xăng dầu (hiện là 8%), thuế VAT (10%)... thuộc thẩm quyền Quốc hội.
"Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động để tham mưu Chính phủ, trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giảm thêm thuế xăng dầu", ông Phớc cho hay.
Tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân chưa đồng ý với Bộ trưởng về giá xăng dầu.
Ông nói, kinh tế Việt Nam là thị trường xã hội chủ nghĩa không nên can thiệp vào giá xăng dầu quá nhiều. Nên để giá xăng dầu tự nhiên theo hướng tăng giảm của thế giới, nếu giảm thì ảnh hưởng đến xuất khẩu khác, chỉ can thiệp đúng mức chứ không cố gắng để giá rẻ nhất với các nước xung quanh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá do Nhà nước giữ vai trò bình ổn, đến một lúc nào đó Nhà nước phải can thiệp để giảm giá xăng dầu. Việc này có lợi ích giảm giá thành sản xuất, thúc đẩy việc tăng trưởng và sức cạnh tranh, giải quyết được lao động, từ đó có tích lũy cho nền kinh tế.