Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, vừa yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Chỉ đạo trên được đưa ra do thời gian qua, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em diễn ra phức tạp. Nhiều vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương, như vụ xâm hại nữ sinh 10 tuổi ở Hà Nội; vụ hiếp dâm tập thể bạn học lớp 10 ở Quảng Trị; vụ bố đẻ hiếp dâm con gái ở Long An, Bắc Giang hay vụ nhiều học sinh trung học cơ sở đánh bạn ở Hưng Yên, Nghệ An…
Để giải quyết các vướng mắc trong xử lý và hạn chế những vụ việc tương tự, Bộ trưởng Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc nắm tình hình, khảo sát, đánh giá, xác định diện trẻ em thường bị bạo lực, xâm hại; có biện pháp tuyên truyền, thông báo cảnh giác phòng tránh hành vi xâm hại.
Sau khi tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, cơ quan công an cần khẩn trương điều tra, truy tìm nghi can và có biện pháp bảo vệ nạn nhân. Ngoài ra, đại tướng Tô Lâm yêu cầu các đơn vị mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và phối hợp cơ quan tố tụng truy tố, xét xử nghiêm minh một số vụ án điểm để răn đe, phòng ngừa chung.
Cũng theo chỉ đạo này, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ phối hợp các ngành liên quan tăng cường nắm tình hình, quản lý các trang mạng xã hội có nội dung tuyên truyền, kích động, cổ xúy bạo lực, dâm ô, đồi trụy; chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hành vi lợi dụng không gian mạng xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và thu thập, phân tích dữ liệu, chứng cứ phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại trẻ em.
Còn Cục cảnh sát hình sự và Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an theo chức năng sẽ đẩy mạnh việc đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và hướng dẫn công an các địa phương tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em từ Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (đầu số 111) và tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để xử lý nghiêm hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.