Theo đó, chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận được câu hỏi của đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) và đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) về vấn đề 22.900 người nhận tiền hỗ trợ nhầm tại Bình Dương.
Đồng thời các đại biểu yêu cầu đánh giá cụ thể về việc thực hiện các gói hỗ trợ, mức tiếp cận của người dân?
Trả lời về vấn đề nhận nhầm tiền, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình: "Sau khi có dư luận báo chí, tôi đã điện thoại cho Bí thư Bình Dương và cử một Thứ trưởng của Bộ cùng đại diện Mặt trận Tổ quốc vào làm việc. Chúng tôi xác định chỉ khoảng 1.490 trường hợp nhận tiền hỗ trợ sai.
Đây là chính sách hỗ trợ với người phải thuê trọ của tỉnh Bình Dương với mức 800.000 đồng/người. Chính Bình Dương đã phát hiện số lượng đăng ký lớn, đáng nghi ngờ và rà soát ra số lượng 22.900 hồ sơ trùng lặp, nhưng mới chỉ chi số tiền 1,6 tỷ đồng, đến nay đã hoàn trả đầy đủ".
Còn về các gói hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã điểm lại các chính sách đã ban hành cùng với quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bộ trưởng nhận thấy, hầu hết các chính sách mang tính chất tình thế.
“Tôi thú thật với Quốc hội là với sự chỉ đạo của các lãnh đạo, chúng tôi đã làm ngày làm đêm để ban hành 3 chính sách. Cơ bản đánh giá đến nay các chính sách đã đi vào cuộc sống. Có khoảng 60.000 tỷ đồng đã được giải ngân, cơ bản là đúng đối tượng, đúng mục đích”, Bộ trưởng nói.
Ông Dung cũng xác định, quá trình thực hiện còn điều này điều kia, có những khuyết điểm nhất định như chậm giải ngân tiền, trường hợp này trường hợp kia phát nhầm, nhận nhầm.
Ngoài ra, với đề xuất chính sách với với doanh nghiệp, Bộ trưởng chỉ rõ, Chính phủ, Thủ tướng giao nhiệm vụ chính về việc này cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Bộ Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thành 4 nhiệm vụ cơ bản là tham mưu ban hành chính sách về việc tạo điều kiện cho chuyên gia, người lao động. Đồng thời tạm hoãn một số khoản đóng để đỡ gánh nặng cho doanh nghiệp; đề xuất chính sách chăm lo an sinh cho công nhân.