Hạn mặn khốc liệt
Đến sớm và gay gắt, vượt qua cả mốc kỷ lục của năm 2016, mùa hạn mặn năm nay tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang gây ra nhiều tác động đến đời sống và sản xuất của người dân. Tình trạng khô hạn này được dự báo sẽ còn dai dẳng đến hết tháng 4, thậm chí là lâu hơn.
Số liệu từ Bộ TN&MT cho biết, trong năm 2019, tổng lượng mưa mùa lũ trên lưu vực sông Mê Kông thiếu hụt từ 20 - 40% so với trung bình nhiều năm (TBNN) và từ 15 - 25% so với năm 2015. Tổng lượng dòng chảy thiếu hụt từ 30 - 35% so với TBNN và khoảng 5% so với năm 2015, dòng chảy mùa khô từ sông Mê Kông về ĐBSCL ở mức thiếu hụt nhiều so với TBNN và năm 2015 - 2016.
Vì vậy nguy cơ tiếp tục xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước là rất lớn và có thể sẽ rất nghiêm trọng.
Từ đầu mùa khô đến nay đã có 5 đợt xâm nhập mặn tăng cao làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và dân sinh. Chiều sâu xâm nhập mặn sâu nhất tính đến ngày 30.3 ở các cửa sông Cửu Long đã sâu hơn năm 2016 từ 3 - 7 km; các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang) ở mức thấp hơn từ 4 - 15 km.
Hiện tại, nước mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh, thành ở ĐBSCL trừ Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ. 5 tỉnh miền tây đã công bố tình huống khẩn cấp vì hạn mặn bao gồm Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Long An. Nhiều hộ dân ở các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang,...do ảnh hưởng của hạn mặn nghiêm trọng nên thiếu nguồn nước sinh hoạt.
Tính đến đầu tháng 3, gần 39.000ha lúa khả năng mất trắng, trên 20.000ha cây ăn trái báo động đỏ, thiệt hại 43.000ha rừng. Vườn Quốc gia U Minh Hạ đặt trong tình trạng báo động cháy.
Bộ TN&MT nhận định, do dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về ĐBSCL không được cải thiện nên độ mặn vẫn ở mức cao, tình hình nắng nóng, hạn hán tiếp tục diễn ra. Trên các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn xâm nhập mặn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4-2020, sau đó giảm dần.
Theo Ủy hội Sông Mê Kông Việt Nam, từ tháng 10/2019 đến tháng 3/2020 mực nước sông ở lưu vực châu thổ xuống thấp nhất trong vòng 101 năm qua. Hiện mùa mưa trên lưu vực sông Mê Kông đã kết thúc, dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh. Cùng với đó là hàng loạt thủy điện dọc dòng sông Mê Kông đã đồng loạt tích nước khiến dòng chảy đã giảm, nay càng giảm hơn. Điều này đồng nghĩa với việc áp suất nước sông Cửu Long giảm, tạo điều kiện cho nước mặn tràn vào. Cộng với tác động của triều cường theo chu kỳ của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, dẫn đến xâm nhập mặn tăng cao, lấn sâu vào trong nội đồng.
Bộ TN&MT báo cáo khẩn
Ngày 1/4, Bộ TN&MT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế và giải quyết vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở miền Trung, Tây Nguyên và ĐBSCL.
Theo đó, Bộ TN&MT cho biết đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn ban hành các bản tin cảnh báo, dự báo về khả năng hạn hán, xâm nhập mặn từ tháng 7 và tháng 8/2019 để các bộ, ngành chủ động phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đồng thời, hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố thực hiện về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước , xâm nhập mặn. Vì vậy đã giảm thiệt hại đáng kể do hạn hán, xâm nhập mặn.
Để đối phó với khả năng thiếu nước trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8/2020, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng cực đoan, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn; giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giám sát việc vận hành các hồ chứa cấp nước cho hạ du.
Bên cạnh đó sẽ tập trung xây dựng các kịch bản, phương án điều hoà, phân bổ nguồn nước trong điều kiện hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.
Thành lập Tổ công tác do Tổng giám đốc Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia làm Tổ trưởng để hỗ trợ các địa phương điều tra, tìm kiếm nguồn nước ngọt phục vụ cấp nước sinh hoạt. Yêu cầu UBND các địa phương đề xuất các khu vực tập trung dân cư thiếu nước sinh hoạt cần ưu tiên cấp bách để Bộ TN&MT triển khai các điểm cung cấp nước ngọt phục vụ kịp thời cho nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
Đối với 5 tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn, Bộ TN&MT trích Quỹ bảo vệ môi trường hỗ trợ mỗi tỉnh 800 triệu đồng.
Ngoài ra, Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và các chủ hồ chứa thủy điện phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc lập kế hoạch tích nước, xả nước các hồ chứa cho phù hợp sản xuất điện và đảm bảo cấp nước sinh hoạt, sản xuất của người dân.