Các mẫu xe điện của VinFast đã nhận đặt hàng và sẽ giao đến tay khách hàng trong năm 2021.
Ngày 4/6/2021, Bộ Tài chính có văn bản gửi các Bộ ngành để lấy ý kiến trước khi có báo cáo tham mưu, đề xuất với Chính phủ về chính sách ưu đãi cho xe điện.
Việc lấy ý kiến này nằm trong quy trình thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện nội dung đánh giá về đề xuất áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với ô tô điện của Vingroup.
Hạn chót của việc tổng hợp ý kiến và báo cáo Chính phủ của Bộ Tài chính và các Bộ ngành về nội dung này, là ngày 10/6/2021.
Cho ý kiến về việc thí điểm chính sách ưu đãi cho xe điện, trong văn bản gửi Bộ Tài chính do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký cho rằng: "Việc phát triển phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; Luật bảo vệ môi trường năm 2020; Chỉ thị số 03-CT/TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
Đồng thời, đây cũng là biện pháp giảm phát thải khí nhà kính của ngành GTVT trong đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ gửi Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Do đó, để khuyến khích phát triển xe điện, Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của quý Bộ cần có sự điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp đối với loại phương tiện này.
Để khuyến kích người dân sử dụng ô tô điện, Nhà nước đã có một số chính sách ưu đãi hiện hành, tuy nhiên theo tình hình thực tế, cần phải đề xuất điều chỉnh chính sách phù hợp như Thuế tiêu thụ đặc biệt, Lệ phí trước bạ".
Vì vậy Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về chính sách ưu đãi và thực tiễn phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước để tham mưu Chính phủ, Quốc hội đưa ra lộ trình ưu đãi phù hợp.
Trước đó theo quan điểm của Bộ Tài chính, trở ngại lớn nhất của Việt Nam trong phát triển xe điện là cơ sở hạ tầng: trạm sạc còn thiếu, năng lượng cung cấp điện chủ yếu từ nguồn nhiên liệu có phát thải CO2 cao, chiếm gần 50% tổng sản lượng điện huy động, trong khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo (mặt trời, sức gió, sinh khối) chỉ chiếm 4,3% và được coi là nguồn điện không ổn định..
Bộ Tài chính cũng chỉ ra thực tế là thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện ở 3 mức độ tương ứng với ba chủng loại xe khác nhau.
Xe ô tô điện dưới 9 chỗ ngồi có thuế suất 15%, xe chở người từ 10-16 chỗ ngồi là 10% và xe từ 16-24 chỗ ngồi là 5%.
Đối với lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính cho biết hiện nay mới chỉ có ưu đãi với xe bus sử dụng năng lượng sạch nhằm góp phần khuyến khích phát triển phương tiện vận tải công cộng thân thiện với môi trường, chưa ưu đãi đối với xe cá nhân.
VinFast cũng tham vọng đưa xe điện do hãng sản xuất vào Mỹ, thị trường ô tô khắt khe nhất thế giới.
Chính vì vậy, để khuyến khích sản xuất và người tiêu dùng sử dụng ô tô điện, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt
Nội dung này thuộc thẩm quyền Quốc hội, vì vậy phải trình Quốc hội sửa luật.
Về lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính cho biết đây là thẩm quyền của Chính phủ.
Cũng theo Bộ Tài chính, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh đại dịch, trường hợp phải ban hành sớm hơn, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Về phía các bộ ngành, Bộ GTVT cũng nêu quan điểm thống nhất với Bộ Tài chính về việc cần phải điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp với loại phương tiện mới này.
Bộ Công Thương cho rằng việc áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ áp dụng trong thời gian 5 năm để khuyến khích sản xuất và hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường là "có thể xem xét".