Bộ Công Thương tính tăng mua điện từ Lào, Trung Quốc

(khoahocdoisong.vn) - Để giải quyết một phần việc thiếu điện khi các dự án năng lượng vẫn chậm tiến độ, Bộ Công thương đề xuất tăng mua điện của nước ngoài.

Theo ông Phương Hoàng Kim - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), hiện có 47/62 dự án công suất lớn trên 200 MW (theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh) chậm tiến độ. Điều này dẫn tới nguy cơ thiếu điện từ năm 2020 khi phụ tải tăng cao. Lượng điện thiếu hụt ước tính 3,7 tỷ kWh vào năm 2021, sau đó tăng lên gần 10 tỷ kWh vào 2022. Căng thẳng nhất là năm 2023, mức thiếu hụt khoảng 15 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ và 3,5 tỷ kWh vào các năm 2024-2025.

Do đó, Bộ Công thương tính toán sẽ tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc. Với nguồn điện nhập khẩu từ Lào, theo thỏa thuận đã ký giữa hai Chính phủ, công suất mua tới năm 2020 khoảng 1.000 MW, tăng lên 3.000 MW vào năm 2025 và khoảng 5.000 MW đến 2030. Lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc cũng dự kiến tăng từ năm 2021 với mức giá cạnh tranh hơn so với khung giá mua điện từ Lào, và thấp hơn giá trung bình các nhà máy nhiệt điện than (trên 7 cent một kWh).

"Tiết kiệm điện nhiều lắm cũng chỉ 5-8%, nên bù nguồn điện hiện thời chỉ có mua thêm từ Lào, Trung Quốc" - ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công thương nói, song nhấn mạnh đây chỉ là giải pháp ứng phó trước mắt, còn lâu dài cần đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng lớn trong nước. 

Theo ông Vượng, việc bỏ cơ chế bảo lãnh Chính phủ với các dự án điện cũng là nguyên do khiến các dự án gặp khó trong huy động vốn. Ngoài ra, công tác quy hoạch liên quan Luật Quy hoạch ảnh hưởng đáng kể đến việc lập, thẩm định, bổ sung các công trình điện, gây kéo dài triển khai xây dựng các dự án điện. Hiện có gần 400 dự án đang vướng mắc trong điều chỉnh bổ sung quy hoạch, trong đó có nhiều dự án đã được báo cáo các cấp như dự án Tây Bắc, cụm khí Bạc Liêu, Cà Ná, Long Sơn ... song vẫn chưa có phản hồi.

Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Công thương đánh giá, xử lý vướng mắc ở nhiều dự án trọng điểm cho thấy sự lúng túng, né trách nhiệm. Tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, đã có nhiều cuộc họp, liên tiếp ba tháng trời chỉ công văn đi công văn lại, mỗi quy trình phát đi và đợi trả lời mất gần 1 tháng, thậm chí vẫn chưa có ý kiến. Bộ trưởng Công thương yêu cầu Cục Điện lực và năng lượng tái tạo sớm nghiên cứu và đưa ra đề xuất về cơ chế đặc thù với các dự án năng lượng trọng điểm, báo cáo Bộ và trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top