"Xí chỗ", rồi bỏ hoang
Mới đây, Sở KHĐT tỉnh Bình Thuận có báo cáo tình hình các dự án chậm triển khai trên địa bàn tỉnh. Báo cáo cho biết, hiện tỉnh này còn rất nhiều dự án bất động sản chậm triển khai nhiều năm. Dù nhiều lần được gia hạn, nhưng đến nay nhiều dự án không tìm được chủ đầu tư để tiếp tục triển khai.
Cụ thể, tại phường Mũi Né, đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp tới khu Long Sơn - Suối Nước, giáp ranh huyện Bắc Bình hiện có 39 dự án du lịch và bất động sản du lịch, diện tích rộng hàng nghìn hecta. Nhưng trong đó, có tới 29 dự án chậm triển khai. Đó còn chưa tính tới 8 dự án đã bị UBND tỉnh thu hồi từ năm 2019.
Thống kê của UBND phường Mũi Né cho biết, trong số 29 dự án chậm triển khai thì có tới 20 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2000 đến 2005, nghĩa là đã kéo dài từ 15 - 20 năm.
Cụ thể như, Khu du lịch Bình Tây (chấp thuận năm 2001), Khu du lịch D&M (2002), Khu du lịch Thiên Thanh (2000), Khu du lịch sinh thái Biển San Hô (2001), Khu du lịch Biển Đông (2000), Khu du lịch sinh thái Ngọc Khánh (2004)...
Đặc biệt, dự án Khu du lịch Phương Phát (chủ đầu tư là Công ty Dệt may) được cấp từ năm 2002, đã được gia hạn thêm thời gian, nhưng cho đến nay vẫn không triển khai.
“Trong số các dự án nói trên, một số dự án không triển khai được vì không thỏa thuận được việc đền bù với dân. Vài dự án do chưa có hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, cơ bản vẫn là các chủ đầu tư muốn giữ đất để đầu cơ. Trong đó nhiều dự án thay đổi chứng nhận đầu tư nhiều lần (thực chất là bán dự án - PV) nhưng không triển khai, hoặc triển khai kiểu đối phó. Khi bị chính quyền hối thúc thì cho xe múc đất dự án, “giả” đang làm hạ tầng để xin gia hạn dự án” - một cán bộ UBND phường Mũi Né nói.
Tương tự, tại huyện Hàm Tân, có 11 dự án bị kiến nghị thu hồi. Gồm dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp của Công ty Trung Thủy Bình Thuận; dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Tanimex của Công ty CP Đầu tư du lịch Tân Thắng; Dự án khu du lịch sinh thái Hồng Phúc của Công ty CP khách sạn - Nhà hàng Hồng Phúc - Thắng Hải; dự án khu du lịch Hương Hải của Công ty TNHH Hương Hải - Thắng Hải; dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Quế Mi của công ty TNHH MTV Quế Mi - Thắng Hải; dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Lý II của Công ty CP Đầu tư An Thiên Lý - Thắng Hải; dự án khu du lịch sinh thái Tân Việt Phú của Công ty CP Tân Việt Phú - Tân Thắng; khu biệt thự nghỉ dưỡng và Resort Đồi Dương của Công ty Young Huy - Tân Thắng; dự án khu du lịch sinh thái Thắng Linh của Công ty TNHH Thắng Linh - Tân Thắng; dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bạch Vân của Công ty TNHH DL & ĐT-XD Tâm Trí - Tân Thắng; dự án khu du lịch của Công ty CP Đức Khải - Tân Thắng.
Sẽ thu hồi dự án
Theo UBND huyện Hàm Tân, trên địa bàn huyện hiện có 18 dự án đầu tư trên lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký gần 4.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại xã Thắng Hải (9 dự án và 1 điểm du lịch công cộng), xã Tân Thắng (6 dự án) và Sơn Mỹ (2 dự án).
Tuy nhiên, trong số đó mới chỉ có 1 dự án chính thức đi vào hoạt động kinh doanh và 2 dự án đang triển khai xây dựng. Số dự án còn lại thuộc diện chưa triển khai, hoặc có triển khai một số hạng mục nhưng nay không tiếp tục, vì nhiều lý do.
Do đó, UBND huyện Hàm Tân đã đề nghị Sở KHĐT bố trí thời gian làm việc với các chủ đầu tư về triển khai dự án trên địa bàn huyện. Đồng thời, kiến nghị thu hồi chủ trương đầu tư đối với 11 trường hợp chậm tiến độ nhiều năm.
Trả lời báo chí, đại diện Sở KHĐT tỉnh Bình Thuận xác nhận, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân do một số nhà đầu tư thua lỗ, không còn đủ khả năng triển khai dự án; một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực để triển khai dự án nhưng vẫn đăng ký để giữ chỗ, chờ chuyển đổi dự án để kiếm lợi; nhiều dự án đăng ký đầu tư với sản phẩm đầu ra tương tự trong khi khả năng hấp thụ nền kinh tế địa phương không cao, dẫn đến khó đảm bảo hiệu quả dự án...
“Dự án để hoang không chỉ gây lãng phí trong khai thác sử dụng tài nguyên đất đai mà còn làm xấu bộ mặt của địa phương. Nhưng khi mời làm việc, hầu hết các chủ đầu tư dẫn nguyên nhân là do tình hình kinh doanh bất động sản những năm qua không được thuận lợi, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.
Không ít chủ đầu tư nói họ gặp khó khăn về tài chính, khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, một số thì vay vốn nhưng không chịu nổi lãi suất quá cao... nên dù đã khởi công đang xây dựng nhưng bị kéo dài tiến độ, hoặc cầm chừng vì thiếu vốn....” - đại diện Sở KHĐT tỉnh cho.
Cũng theo vị này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, sắp tới Sở sẽ mời chủ đầu tư các dự án nêu trên để quán triệt nội dung liên quan. Đồng thời hướng dẫn các chủ đầu tư có văn bản cam kết cụ thể tiến độ triển khai dự án trong thời gian được gia hạn. Trường hợp dự án không thực hiện đúng theo nội dung cam kết thì sẽ trình UBND tỉnh thu hồi dự án và không giải quyết bất kỳ kiến nghị nào của chủ đầu tư.
Theo đó, Sở KHĐT đã đề xuất thu hồi 20 dự án. Trong đó, tại thành phố Phan Thiết sẽ thu hồi 8 dự án, huyện Hàm Thuận Nam có 12 dự án. Sở cũng sẽ tiếp tục rà soát và đề xuất UBND tỉnh xử lý các dự án chậm triển khai mà không có lý do chính đáng.
Để tránh tình trạng chủ đầu tư không có nguồn lực tài chính, đăng ký rồi để đó chờ sang nhượng, giữ đất… gây lãng phí những khu "đất vàng" nguồn tài nguyên du lịch... Sở KHĐT tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần mạnh tay hơn nữa để xử lý những dự án du lịch chậm triển khai.