Biến chứng nguy kịch do tiêm insulin sai vị trí

Chuyện tiêm insulin ở người bệnh đái tháo đường tưởng đơn giản nhưng thực tế nhiều người, thậm chí cả y tá cũng chỉ dẫn sai khiến bệnh nhân gặp biến chứng nguy hiểm.

"Việc sử dụng insulin được xem như một nghệ thuật trong điều trị đái tháo đường, luôn cần có sự điều chỉnh về liều lượng, đường tiêm truyền trong những điều kiện khác nhau, phải phù hợp với từng người và theo bệnh. Tiêm insulin không đủ liều, có thể gây biến chứng tim mạch. Nếu tiêm liều cao, đường huyết hạ thấp nguy cơ bị mất não, sống đời sống thực vật” – PGS.TS Tạ Văn Bình, Nguyên giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung ương nói.

Tiêm 4 mũi insulin liều cao vẫn phải cấp cứu vì đường huyết không hạ

TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chuyện bệnh nhân tiểu đường dùng insulin sai phải cấp cứu là chuyện hàng ngày. Liên tiếp trong 2 tuần, bác sĩ gặp khoảng 10 bệnh nhân đái tháo đường tiêm insulin sai vị trí.

Khi tiêm insulin dưới da, vùng bụng thường được chỉ định vì nó khá rộng. Vị trí tiêm đúng là cách rốn 3cm hất trở ra đến tận mạng sườn (hình 1) và phải thay đổi vị trí tiêm insulin thường xuyên (hình 2). Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không nhớ hoặc được truyền miệng nhau nên lại tiêm sai vị trí thành tiêm cách rốn 3cm hoặc tiêm quanh rốn (hình 3).

Hậu quả của tiêm quá nhiều mũi tại một vị trí là lớp mỡ dưới da vùng đó sẽ phản ứng và phì đại nên không hấp thu được insulin, dẫn đến tiêm liều rất cao nhưng vẫn không kiểm soát được đường máu.

“Trong số những bệnh nhân tôi khám tuần trước, có 1 bệnh nhân nữ 83 tuổi tiêm 4 mũi với tổng là 68 đơn vị insulin mà đường máu vẫn thường xuyên > 15 mmol/L, nhưng sau khi được hướng dẫn tiêm đúng kỹ thuật và thay đổi vị trí thì chỉ với liều 50 đơn vị đã đưa được đường máu về mức từ 7 – 10 mmol/L”, TS.BS Bảy chia sẻ.

Có những điều rất cơ bản mà vẫn sai như cơm bữa. Sai từ điều dưỡng, bác sĩ đến bệnh nhân. “Đó cũng là lý do tôi đều nhắc tất cả các Điều dưỡng phải hướng dẫn để phần lớn bệnh nhân đái tháo đường nằm viện có thể tự tiêm được insulin ít nhất 2 ngày trước khi ra viện”, TS Bảy nói thêm.

“Triệu chứng chung của hôn mê vì hạ đường máu đột ngột do tiêm insulin quá liều hoặc hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu vì dùng thuốc không đủ liều là: Mệt đột ngột, vã mồ hôi, khó thở, nhịp tim nhanh, chóng mặt, nhìn mờ, kiệt sức, lả đi rồi ngất, đi vào hôn mê.

Theo PGS.TS Tạ Văn Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, việc sử dụng insulin được xem như một nghệ thuật trong điều trị bệnh đái tháo đường, luôn cần có sự điều chỉnh về liều lượng, đường tiêm truyền trong những điều kiện khác nhau, phải phù hợp với từng người và theo bệnh.

“Tiêm insulin phải đúng liều, nếu ít hơn thì đường huyết tăng, không kiểm soát được bệnh đái tháo đường, đường máu quá cao bệnh nhân dễ tử vong do các biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, huyết áp, mạch vành…). Còn nếu quá liều sẽ gây hạ đường huyết, gặp nguy hiểm vì chỉ hạ đường huyết sau 5 phút là bệnh nhân đã có thể bị mất não, sống đời sống thực vật” – PGS.TS Bình nhấn mạnh.

Tiêm insulin sai sẽ gây tổn thương trên da như:

Dị ứng: Dị ứng được ước tính xảy ra ở 10 – 50% người bệnh điều trị bằng insulin có nguồn gốc động vật. Phản ứng dị ứng xảy ra trong vòng 1- 4 tuần sau khi bắt đầu điều trị. Người bệnh có cảm giác đau rát, kim châm và ngứa ở chỗ tiêm. Vùng tiêm trở lên ấm, đỏ, thậm chí phản ứng co cứng.

Teo mỡ: Là hiện tượng teo mỡ dưới da ở vùng tiêm insulin. Tuy nhiên có thể xảy ra ở các vị trí xa với vị trí tiêm insulin như mặt, cổ và ngực. Tổn thương có xu hướng xuất hiện từ 6 đến 24 tháng sau khi bắt đầu tiêm insulin. Các vị trí teo thể hiện là những vùng da hình tròn lõm xuống.

Phì đại mỡ: Là kết quả của các tác động đồng hóa sinh mỡ của insulin ở vị trí tiêm. Tổn thương xuất hiện không đau, không đổi màu da, trên lâm sàng giống như u mỡ. Các tổn thương này có thể xuất hiện ở vị trí tiêm, chúng được tạo thành từ mô mỡ và sợi.

Các tác dụng phụ khác bao gồm: Bầm tím, sần da, tăng cân, tương tác với các thuốc khác, đau đầu và buồn nôn… Insulin được sử dụng thận trọng ở người từng mắc bệnh gan, thận hoặc suy tim.

Giáo dục sức khỏe tiêm insulin cho người tiểu đường tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương

Giáo dục sức khỏe tiêm insulin cho người tiểu đường tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương

Giáo dục sức khỏe tiêm insulin cho người tiểu đường tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương

Cách tiêm insulin bằng bút tiêm đúng

TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Nguyên Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nội tiết Trung ương hướng dẫn cách tiêm insulin đúng để tránh tai biến như: Khi tiêm insulin, cần tiêm vào mô mỡ ngay bên dưới da, nếu tiêm vào cơ bắp cần thay đổi kỹ thuật tiêm hoặc yêu cầu bác sĩ kê loại kim ngắn hơn. Nếu muốn thay đổi kỹ thuật tiêm cũng cần kiểm tra với nhân viên y tế để được tư vấn.

Bộ dụng cụ: Cây bút insulin; Đủ insulin bên trong để cung cấp liều lượng cần thiết; Một kim bút mới; Hộp xử lý vật sắc nhọn để bỏ kim bút đã sử dụng vào. Hãy chắc chắn luôn có sẵn bộ dụng cụ của mình và cho người thân biết về vị trí của nó để có thể giúp nhanh chóng khi bị hạ đường huyết.

Thực hiện tiêm insulin: Rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi tiêm. Đặt một cây kim mới vào bút. Tháo nắp của kim bút. Giữ bút thẳng đứng và thực hiện “đuổi không khí” - yêu cầu quay số ít nhất 2 đơn vị và nhấn pít-tông tới khi có một giọt insulin ở đầu kim để loại bỏ bất kỳ bọt khí nào ra khỏi kim. Nếu chưa được, hãy lặp lại các bước trên để giúp lượng insulin khi tiêm được ổn định.

Một số người có thể cần nâng nhẹ nếp gấp mỡ bằng ngón tay cái và các ngón tay. Đặt kim vào và giữ cố định bút. Đẩy pít-tông chậm để tiêm. Sau khi liều đã được tiêm, hãy giữ kim trong 10 giây để giúp insulin được tiêm hoàn toàn và ngăn không cho bất kỳ liều nào thoát ra ngoài. Đưa kim đã sử dụng vào hộp đựng.

Cách tránh đau: Khả năng bị đau được giảm thiểu đáng kể bằng cách sử dụng kim mới, kim có chiều dài phù hợp, đẩy kim vào nhanh khi tiêm và không di động kim khi đang tiêm hoặc rút kim.

Luân chuyển vị trí tiêm để tránh sần da khiến insulin không hấp thụ đủ, thừa hoặc thiếu liều gây tai biến. Trong số bốn vùng chính (bụng, mông, đùi ngoài và cánh tay trên) nên dành một vùng da thích hợp để tiêm vào. Sử dụng các vùng khác nhau của cơ thể để tiêm vào nhằm xoay vòng vị trí tiêm insulin. Một cách để chọn vùng da không sần sùi là sờ hoặc bóp da trước khi tiêm. Nếu cảm thấy không mềm mại như bình thường, hãy chọn một vị trí khác để tiêm.

Làm gì khi thấy insulin bị chảy ra khỏi chỗ tiêm:

Đôi khi dù đã giữ kim thêm 5-10 giây nhưng khi rút kim ra, vẫn có một giọt nhỏ insulin chảy ra. Theo các nghiên cứu, lượng insulin này khá nhỏ và hầu như không ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Tuy nhiên để đảm bảo liều insulin được chính xác, hạn chế mất insulin, có thể thực hiện như sau:

1. Nên đâm kim vuông góc với da

2. Sau khi đâm kim tiêm qua da, có thể bỏ véo da trước khi bơm insulin vào

3. Ấn đẩy insulin vào một cách từ từ

4. Sau khi tiêm xong, giữ kim tiêm thêm vài giây so với thông thường.

5. Thay đổi vị trí tiêm thường xuyên.

Theo Đời sống
back to top