Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trong số 83 người cao tuổi và 116 nhân viên y tế tại viện dưỡng lão ở Kentucky, có 45 người dương tính với nCoV. Kết quả giải mã trình tự gene tìm thấy các đột biến phù hợp với biến chủng R.1.
Ổ dịch được cho là bắt nguồn từ một nhân viên bị nhiễm bệnh. Trong tổng số ca nhiễm, nhiều người đã được tiêm phòng đầy đủ hai liều vaccine. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc vaccine có khả năng bảo vệ thấp trước biến chủng R.1, theo New York Post.
Biến chủng R.1 được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản vào tháng 1/2021 và chứa nhiều đột biến nguy hiểm. Biến chủng này chứa năm đột biến vốn đã được ghi nhận ở các biến chủng khác.
Ngoài ra, R.1 chứa một tập hợp đột biến mới, tăng khả năng lây nhiễm, nhân đôi và ức chế hệ miễn dịch. Thậm chí biến chủng R.1 có thể làm giảm hiệu quả của các kháng thể trung hòa.
Một biển báo địa điểm xét nghiệm Covid-19 tại Louisville, Kentucky. Ảnh: Reuters. |
CDC lần đầu tiên phát hiện biến chủng R.1 tại một cơ sở điều dưỡng ở Kentucky vào tháng 4. Tuy nhiên, biến chủng này không được CDC liệt kê trong danh sách các biến chủng đáng quan tâm.
William Haseltine, giáo sư tại Trường Y Harvard, cho biết trong kho dữ liệu của GISAID, đã có hơn 10.000 ca nhiễm biến chủng R.1 trên toàn cầu.
“R.1 là một biến chủng cần phải được theo dõi. Nó đã xuất hiện và gây ra lo ngại ở cả Nhật Bản và Mỹ”, giáo sư Haseltine nói.
Thông tin trên xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt chương trình tiêm vaccine tăng cường cho người trên 65 tuổi hoặc bất cứ ai có sức khỏe kém. Các mũi tiêm tăng sẽ được triển khai sau liều thứ hai khoảng 6 tháng.
FDA cũng cho biết cần thêm nhiều dữ liệu về hiệu quả của mũi tiêm thứ ba trước khi triển khai cho toàn bộ người dân.