Bị tấn công từ mọi phía, Huawei chực chờ sụp đổ

(khoahocdoisong.vn) - Sau Google, nhiều hãng công nghệ Mỹ tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei như Intel, Qualcomm và Broadcom.

Ngay cả các nhà mạng lớn cũng e ngại việc tiếp tục hợp tác với hãng này. Đặc biệt, ARM - hãng nắm bản quyền khoảng 90% bộ xử lý smartphone trên thế giới - cũng đã quyết định ngừng kinh doanh với Huawei.

knock-out

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước đã liệt Huawei vào danh sách đen, với cáo buộc cho rằng tập đoàn này hỗ trợ Chính phủ Trung Quốc hoạt động gián điệp. Quyết định của Google giáng đòn nặng vào tham vọng chiếm lĩnh thị trường điện thoại thế giới của Huawei Technologies - nhà sản xuất điện thoại thứ hai thế giới, chỉ sau Samsung.

Cụ thể, Google công bố chấm dứt hỗ trợ Huawei trong việc cập nhật hệ điều hành Android chạy trên các máy điện thoại thông minh Huawei sắp sản xuất, các ứng dụng phổ biến như bản đồ (maps), thư điện tử gmail, cửa hàng ứng dụng Google Play Store và trình chiếu video YouTube cũng không được cung cấp cho sản phẩm điện thoại của Huawei.

Trong nỗ lực trấn an, Richard Yu - Giám đốc điều hành Huawei - đã thông báo công ty sẽ tung ra hệ điều hành riêng của hãng vào mùa thu năm nay hoặc muộn nhất là vào mùa xuân 2020. Hệ điều hành này tương thích với ứng dụng Android. Ông Yu cũng cho biết, hệ điều hành mới ngoài tương thích còn giúp cải thiện tốc độ của các ứng dụng Android.

Thông tin rò rỉ cho thấy, Huawei sẽ sử dụng hệ điều hành Hongmeng trên các mẫu smartphone mới để thay thế cho nền tảng Android. Hệ điều hành mới này đã được hãng nghiên cứu từ năm 2012. Tuy nhiên, ngay cả khi Huawei phát triển một hệ điều hành thay thế, điều quan trọng là liệu các dịch vụ của Google sẽ có sẵn trên đó hay không. Nếu không, hệ sinh thái ứng dụng cũng là rào cản đối với người dùng bên ngoài Trung Quốc tương tự Windows Phone, Tizen và các hệ điều hành di động khác.

Ngoài Google, hai tập đoàn sản xuất chip điện tử hàng đầu thế giới là Intel và Qualcomm đã yêu cầu nhân viên chấm dứt mọi liên hệ với Huawei, cho đến khi có lệnh mới. Không có linh kiện phần cứng của Intel và Qualcomm, hệ thống thiết bị viễn thông của Huawei cũng bị đình trệ. Làn sóng “cấm cửa Huawei” bắt đầu lan rộng khi công ty Infineon của Đức hôm thứ Hai cũng thông báo bắt đầu hạn chế giao dịch với Huawei.

Có thể nói, Huawei đứng trước một tình huống có thể bị loại hoàn toàn khỏi thị trường viễn thông thế giới, giống như công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE từng gặp phải hồi năm ngoái. Động thái của các công ty Mỹ có thể làm leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Ngoài ra, Mỹ còn gây áp lực lên đồng minh để không sử dụng thiết bị Huawei cho mạng 5G.

Một thực tế, Trung Quốc từ lâu đã cấm các tập đoàn công nghệ Mỹ như Facebook, Google cùng các dịch vụ của họ, trong khi các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc được tự do, được khuyến khích và được hỗ trợ để thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.

Đồng thời, chính phủ Trung Quốc buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, phải tuân thủ sự kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc, nếu không thì bị cấm cửa. Do thị trường Trung Quốc quá lớn, khả năng sinh lợi cao, rất nhiều doanh nghiệp công nghệ Mỹ và châu Âu phải chấp nhận luật chơi không công bằng, và dần dần bị các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc lấn lướt.

Đến ngày 23/5, Tập đoàn Panasonic (Nhật Bản) đã có mặt trong danh sách các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông thực thi lệnh trừng phạt từ chính phủ Mỹ, ngưng quan hệ với Huawei. Ngày 23/5, các nghị sĩ Mỹ đã đưa ra dự luật để cung cấp nguồn tài chính 700 triệu USD hỗ trợ các nhà mạng nhỏ ở nước này thay thế các thiết bị đang sử dụng do Huawei hoặc một doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp.

Đặc biệt, công ty ARM cũng quyết định ngừng hợp tác với Huawei. Trang tin Android Authority nhận định đây là cú “knock-out” đối với ngành smartphone của Huawei. Bởi tuy Huawei đã tự thiết kế dòng chip Kirin dùng trên smartphone, dần thay thế chip Qualcomm, nhưng vẫn lệ thuộc vào nền tảng, giao thức của ARM. Khi “mất kết nối” với ARM thì việc sản xuất chip Kirin sẽ bị trì trệ.

Theo Bloomberg, Washington đang xem xét trừng phạt thêm 5 công ty Trung Quốc, gồm hai tên tuổi cung cấp thiết bị giám sát là Dahua và Hikvision, Công ty Megvii chuyên về trí tuệ nhân tạo, cùng hai công ty công nghệ nhỏ khác là Meiya Pico và Iflytek.

Và tháo chạy

Vodafone, nhà mạng viễn thông lớn thứ nhì thế giới, ngày 22/5 tuyên bố đã dừng nhận đơn đặt hàng trước điện thoại Huawei Mate 20X, một sản phẩm dùng cho mạng 5G, tại thị trường Anh. Nhà mạng lớn nhất của Anh là EE cũng tuyên bố hoãn việc giới thiệu điện thoại Huawei mới. Mới tuần trước, EE còn đưa ra những đánh giá tích cực đối với chiếc Mate 20X.

Cũng trong ngày thứ Tư, các nhà mạng hàng đầu của Nhật Bản đã có động thái tương tự với một mẫu điện thoại khác của Huawei, chiếc P30 Lite. Theo dự kiến ban đầu, Huawei P30 Lite sẽ ra mắt ở Nhật Bản vào cuối tháng 5. Công ty mạng viễn thông hàng đầu Nhật Bản NTT Docomo tuyên bố dừng nhận đơn đặt hàng trước chiếc P30 Lite và "đang xem xét ảnh hưởng từ các biện pháp hạn chế của Mỹ". Các nhà mạng đối thủ của Docomo như KDDI và SoftBank cũng tuyên bố hoãn việc ra mắt P30 Lite.

Carousell, dịch vụ mua bán trực tuyến phổ biến nhất ở Singapore, ghi nhận số lượng bài rao bán điện thoại Huawei tăng vọt. Thương hiệu điện thoại Trung Quốc này chiếm 14% thị phần ở Singapore, theo số liệu 2018 của công ty nghiên cứu thị trường Canalys.

Các nhà bán lẻ di động ở Philippines cũng đang tìm cách “xả hàng” điện thoại Huawei. Một số người dùng tại nước này còn có thể mua điện thoại Huawei P30 Pro mới vừa ra mắt với giá giảm 50%.

Tại Việt Nam, nhiều người cũng muốn thanh lý điện thoại Huawei do lo ngại thiết bị của hãng sẽ không được cập nhật phần mềm Android, mất nhiều tính năng quan trọng. Chỉ một ngày sau thông báo của Google, trong mục sản phẩm Huawei của một hệ thống siêu thị điện thoại lớn ở Việt Nam đã xuất hiện cả trăm câu hỏi về tình trạng của những chiếc smartphone mang thương hiệu Trung Quốc. Nhiều người cũng đề nghị bán lại hoặc đổi trả smartphone Huawei.

Đại diện một hệ thống chuỗi bán lẻ điện thoại thừa nhận, việc nhập thêm smartphone của Huawei thì còn tùy thuộc vào diễn biến tiếp theo của thị trường. “Cửa hàng chúng tôi phải tư vấn cho khách về vấn đề đang xảy ra và có chính sách hoàn tiền trong 30 ngày cho những ai mua rồi mà không muốn sử dụng.”

Theo Đời sống
Có gì mới trong macOS Sequoia?

Có gì mới trong macOS Sequoia?

Apple đã chính thức giới thiệu macOS 15 Sequoia, phiên bản mới nhất của hệ điều hành dành cho máy Mac. macOS Sequoia là một bản cập nhật miễn phí, có thể được tải xuống trên các dòng máy.
back to top