Bí quyết học tập của chàng trai giành huy chương Vàng Olympic Tin học Châu Á

Phạm Công Minh, lớp 12A2 Tin học, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cười tươi khi chia sẻ bí quyết học tập và “khoe” chiếc huy chương Vàng Olympic Tin học Châu Á năm 2024.

“Em rất vui với kết quả của đội tuyển Việt Nam tại Kỳ thi Olympic Tin học Châu Á (APIO) năm 2024. Tất cả thí sinh đều đoạt giải, trong đó có một huy chương Vàng, 6 huy chương Bạc”, Phạm Công Minh mở đầu câu chuyện với phóng viên Khoa học và Đời sống/Tri thức và Cuộc sống. Người duy nhất đoạt huy chương Vàng lần này chính là Phạm Công Minh.

Phạm Công Minh, lớp 12A2 Tin học, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội).

Phạm Công Minh, lớp 12A2 Tin học, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội).

Nhớ về kỳ thi vừa diễn ra ngày 18 đến 19/5, Minh kể, đề thi năm nay khá lạ. Độ khó chia đều ở các câu, chứ không phân loại rõ như những năm trước. Trong 3 câu của đề thi, Minh mất quá nửa số thời gian cho một câu nhưng vẫn không thể hoàn thành. Đây cũng là lý do khiến em thấy mình “làm chưa tốt lắm”.

“Thời gian làm bài thi là 5 giờ, em mất gần 3 giờ để giải quyết một câu mà chưa xong. Em được 40/100 điểm cho câu này. Hai câu còn lại, em đạt điểm tuyệt đối”, Minh nhớ lại.

Năm ngoái, tại Kỳ thi Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương, Minh giành huy chương Bạc (khi đó là học sinh lớp 11). Nam sinh cũng có chút tiếc nuối khi tập trung quá nhiều thời gian cho một câu, dẫn đến không tối đa hóa được điểm của mình. “Tuy nhiên, bù lại, em được thử sức với bài muốn làm nhất trong kỳ thi đó”, chàng trai tâm sự.

Được truyền cảm hứng từ anh trai và những người thầy

Phạm Công Minh chia sẻ, bố mẹ không định hướng em phải theo môn học, mà tùy con lựa chọn, miễn là yêu thích. Tình yêu với Tin học của Minh bắt đầu từ anh trai, một tiến sĩ về ngành này. “Từ nhỏ, em đã được truyền nhiều cảm hứng từ anh trai của mình”.

Lên cấp ba, trở thành học sinh chuyên Tin của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), gặp những thầy giỏi, Minh có cơ hội nuôi dưỡng, phát triển đam mê thời bé.

7 thí sinh tham dự Olympic Tin học Châu Á cùng thầy Đỗ Đức Đông (Trưởng đoàn, ngoài cùng bên phải), thầy Đỗ Phan Thuận (Phó đoàn, ngoài cùng bên trái) và các thầy trong Ban Tổ chức tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

7 thí sinh tham dự Olympic Tin học Châu Á cùng thầy Đỗ Đức Đông (Trưởng đoàn, ngoài cùng bên phải), thầy Đỗ Phan Thuận (Phó đoàn, ngoài cùng bên trái) và các thầy trong Ban Tổ chức tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Năm lớp 10, Phạm Công Minh được học chung với đội tuyển, dù chưa đi thi. Đến lớp 11, em đoạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn Tin học. Cũng trong năm này, nam sinh giành huy chương Bạc Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương.

Minh cho hay, điều may mắn với em là gặp những thầy giỏi, hết lòng thương yêu học trò, có phương pháp khích lệ, “cá nhân hóa” từng học sinh. Trong đó, giáo viên ảnh hưởng tới em nhất là thầy Hồ Đắc Phương (Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội).

“Thầy Hồ Đắc Phương truyền cảm hứng cho chúng em rất nhiều. Thầy gần gũi, chia sẻ, quan tâm học sinh. Với mỗi bạn, thầy có định hướng riêng để thúc đẩy. Ngoài giờ học căng thẳng, thầy khuyến khích chúng em trồng cây, hoa với thầy để thư giãn. Thỉnh thoảng, thầy tổ chức cho chúng em leo núi hay chơi thể thao”, Minh kể.

Bí quyết học tốt là lòng quyết tâm

Phạm Công Minh cho hay, khi học tại Trường THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội), em hầu như chỉ chú trọng Toán. Thời điểm tiếp xúc môn Tin, em có chút bỡ ngỡ khi giải các bài toán bằng máy tính.

“Nó khá mới lạ với em khi phải viết một chương trình để giải bài toán thay vì làm như thông thường. Tuy nhiên, em thấy môn Tin hợp với mình. Hợp nhất là mỗi bài toán có nhiều cách giải, tiếp cận. Không có đáp án duy nhất trong một bài toán. Nó kích thích sự sáng tạo trong em”, Phạm Công Minh tâm sự.

Một ngày, Minh dành 5-6 giờ cho môn Tin học. Em thường thức đến khoảng 12 giờ đêm. Mỗi khi học môn khác không vào hoặc cảm thấy khó khăn (vì không phải sở trường), Minh lại học Tin để “lấy lại động lực tốt hơn cho môn khác”.

Chia sẻ về bí quyết học tập, chàng trai lớp chuyên Tin bảo, em không có bí quyết đặc biệt, quan trọng là sự quyết tâm.

“Khi có quyết tâm sẽ nỗ lực để chinh phục thử thách. Ôn luyện phải thực sự tập trung, chịu được áp lực thi cử. Lúc vào phòng thi cần giữ bình tĩnh, tỉnh táo, đưa ra quyết định đúng đắn trong việc phân bổ thời gian làm bài”, Minh nói.

Ngoài ra, để học tốt cũng cần phân bổ thời gian hợp lý. Minh chơi game để thư giãn, nhưng không sa đà.

“Em phân chia, hoạch định trong đầu từng mốc giờ trong ngày phải làm gì. Ví dụ, làm bao nhiêu bài toán vào buổi sáng, xong bài thầy giao để kịp ăn trưa... Em cố gắng hoàn thành thời gian biểu nhanh nhất có thể, sử dụng thời gian hiệu quả”, Phạm Công Minh bật mí.

Kỳ thi Olympic Tin học châu Á lần thứ 18 được tổ chức từ ngày 18 đến 19/5/2024 với sự tham gia của 35 đoàn thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ với 286 thí sinh được đề xuất xét giải.

Ngoài Phạm Công Minh đoạt huy chương Vàng, các học sinh của đội tuyển Việt Nam giành Huy chương Bạc gồm: Phạm Ngọc Trung, Nguyễn Tuấn Linh, Nguyễn Hữu Tuấn, Trần Gia Huy, Nguyễn Tùng Lâm (đều là học sinh lớp 12) và Hoàng Xuân Bách (học sinh lớp 11).

Kết quả chung cuộc, đội tuyển Olympic Tin học Việt Nam xếp thứ sáu, sau Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), khẳng định vị thế dẫn đầu các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Dựa trên kết quả thi APIO, 4 thí sinh được lựa chọn để tham dự Đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Tin học quốc tế (IOI) năm 2024 tại Ai Cập từ ngày 1/9 đến ngày 8/9/2024.

Chia sẻ với những bạn trẻ muốn theo đuổi đam mê Tin học, Phạm Công Minh cho rằng, nên thử nhiều thứ trong Tin học để biết mình thích cái gì. Bởi, Tin học rộng lớn, rất nhiều ngành, hãy thử nhiều nhất có thể. Ví dụ, thử lập trình web, game, hoặc AI… Từ đó, bạn sẽ biết điều mình thích.

Theo Đời sống
Quần đảo Nam Du - hòn ngọc xanh Kiên Giang

Quần đảo Nam Du - hòn ngọc xanh Kiên Giang

Được ví von là hòn ngọc quý ngoài khơi xa Kiên Giang, quần đảo Nam Du sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên trong trẻo, hiền hòa với những bãi cát trắng phau, làn nước trong xanh, nhịp sống thanh bình…
Tiệm tóc dạy nghề miễn phí cho trẻ vùng cao

Tiệm tóc dạy nghề miễn phí cho trẻ vùng cao

Nuôi ăn ở, dạy nghề hoàn toàn miễn phí, mục tiêu của tiệm tóc Mai Lan Hair Salon hướng tới không chỉ là đem lại việc làm, thu nhập, mà còn muốn truyền động lực, cảm hứng, thay đổi suy nghĩ, khát vọng sống… cho các em nhỏ vùng cao.
Sống xanh ở đất sen hồng Đồng Tháp

Sống xanh ở đất sen hồng Đồng Tháp

Đồng Tháp là địa danh từ lâu gắn liền với hoa sen, quốc hoa của Việt Nam. Về Đồng Tháp, không chỉ được đắm mình giữa bát ngát hương sen, du khách còn ngỡ ngàng trước thiên nhiên trong lành tươi đẹp và những trải nghiệm khó quên.
back to top