Bí mật phong thủy ẩn giấu trăm năm trong lăng mộ mẹ vua Khải Định

Lăng Vạn Vạn là một lăng mộ hoàng tộc Nguyễn hiếm hoi nằm ở đồng bằng thay vì các vùng đồi núi phía Nam Kinh thành Huế. Vị trí đặc biệt của lăng này liên quan đến một thuyết phong thủy cổ xưa.

Nằm tại phường An Đông của TP Huế, lăng Vạn Vạn hay Tư Thông lăng là nơi an nghỉ của Hựu Thiên Thuần hoàng hậu Dương Thị Thục (1868 – 1944), thường được gọi bà Tiên Cung. Bà là vợ hai của vua Đồng Khánh, mẹ đẻ của vua Khải Định.

Nằm tại phường An Đông của TP Huế, lăng Vạn Vạn hay Tư Thông lăng là nơi an nghỉ của Hựu Thiên Thuần hoàng hậu Dương Thị Thục (1868 – 1944), thường được gọi bà Tiên Cung. Bà là vợ hai của vua Đồng Khánh, mẹ đẻ của vua Khải Định.

Đây là một lăng mộ hoàng tộc Nguyễn hiếm hoi nằm ở đồng bằng thay vì các vùng đồi núi phía Nam Kinh thành Huế. Theo tác giả Phanxipăng (Tạp chí Tài hoa trẻ, số 264, năm 2003), vị trí đặc biệt của lăng Vạn Vạn liên quan đến một thuyết phong thủy cổ xưa.

Cụ thể, dưới thời vua Khải Định, các thầy địa lý triều đình nhà Nguyễn đã cất công tìm một nơi phù hợp với một truyền ngôn địa phương: “Cù Bạc nhất xứ huyệt, Công hầu đợi đợi bất tuyệt”.

Câu này có nghĩa là: Cù Bạc (vùng đất xưa thuộc tổng An Cựu, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên) là xứ có sẵn vị trí mà nếu chọn làm huyệt mộ thì con cháu đời đời xênh xang công hầu khanh tướng.

Tại khoảng đất tốt được lựa chọn, vua Khải Định đã cho xây lăng Vạn Vạn, khu lăng mộ bề thế làm nơi an nghỉ cho bậc thân mẫu của mình.

Tên gọi lăng Vạn Vạn cũng mang yếu tố phong thủy rõ nét. Theo đó, lăng bà Tiên Cung được triều đình gọi Tư Thông lăng. Mặc dù tên chính thức như vậy, song đại đa số dân chúng vẫn quen gọi công trình này là lăng Vạn Vạn.

Theo tác giả Phanxipăng, xưa kia khoảnh đất tốt được chọn để xây lăng vua được triều đình gọi là “Vạn niên cát cục” hoặc “Vạn niên cát địa”. Ấy là xuất xứ địa danh Vạn Niên được dùng chỉ khu vực Khiêm lăng (tức lăng Tự Đức),

Còn phần đất tốt được chọn để xây lăng cho cha mẹ của vua, triều đình gọi là “Vạn vạn niên cát cục” hoặc “Vạn vạn niên cát địa”. Phần đất tốt được chọn để xây lăng cho bà nội của vua thì gọi là “Vạn vạn niên đại cát cục” hoặc “Vạn vạn niên đại cát địa”.

Đó là nguyên nhân khiến dân gian tạo nên địa danh Vạn Vạn. Lăng bà Tiên Cung, tức Tư Thông lăng, là lăng Vạn Vạn. Xóm ven sông An Cựu dẫn tới lăng này là xóm Vạn Vạn.

Được coi là công trình đẹp và có quy mô hoành tráng bậc nhất trong các lăng mộ của phụ nữ hoàng tộc Nguyễn, lăng Vạn Vạn đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia của Việt Nam.

Về mặt kiến trúc, lăng Vạn Vạn có kiểu cách tương tự lăng Thánh Cung nhưng khuôn viên rộng hơn, hệ thống các công trình được bảo tồn nguyên vẹn hơn.

Mặc dù mang những giá trị kiến trúc, cảnh quan đặc sắc, lăng Vạn Vạn hầu như không được khách du lịch biết tới. Khu lăng mộ này từng rơi vào cảnh hoang phế nhiều thập niên trước khi được chăm nom và bảo vệ từ năm 2002.

Mời quý độc giả xem video: Huế - Bóng Dáng Kinh Đô Xưa | VTV Travel.

Theo Đời sống
back to top