Đó là trường hợp của bệnh nhân T.L 76 tuổi ở Bắc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Mặc dù biết bản thân bị sỏi niệu quản đã lâu nhưng người bệnh không kiên quyết điều trị dứt điểm. Đến khi có xuất hiện những cơn đau quặn thận, đau không chịu nổi bệnh nhân mới đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới thăm khám và nhập viện điều trị.
Các kết quả lâm sàng và cận lâm sàng cho thấy tình trạng bệnh diễn biến khá nặng, đài bể thận phải ứ nước độ III, xơ hẹp niệu quản bên dưới.
Người bệnh được các bác sĩ khoa Ngoại Thận - Tiết niệu sử dụng kỹ thuật nội soi sau phúc mạc để lấy sỏi niệu quản, đồng thời đặt ống Sonde JJ vào niệu quản để đảm bảo dòng nước tiểu có thể chảy từ thận xuống đến bàng quang.
Bằng cách này, thận tiếp tục hoạt động và không bị tổn thương do tắc nghẽn, đồng thời tránh những cơn đau quặn thận khi dòng nước tiểu không được lưu thông tốt.
Ca phẫu thuật cho bệnh nhân |
Theo BSCKII Hoàng Văn Công, Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu: Đối với bệnh nhân mắc sỏi niệu quản thì nên can thiệp loại bỏ sỏi càng sớm càng tốt. Việc trì hoãn can thiệp có thể dẫn các biến chứng nặng và đáng tiếc như nhiễm trùng, tắc nghẽn đường tiết niệu, suy thận từ đó ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể cũng như có thể gây tử vong.
Bệnh nhân nên đi khám định kỳ từ 3 đến 6 tháng/lần, hoặc khi xuất hiện triệu chứng bất thường nào liên quan bệnh lý đường tiết niệu như đau tức vùng mạn sườn thắt lưng, tiểu ra máu, ra mủ thì nên đến các cơ sở uy tín có chuyên khoa Ngoại thận tiết niệu để được tư vấn và điều trị.