Thiếu tướng, PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn và em bé trên đảo Trường Sa |
“Điểm tựa vững chắc” cho những con người ngày đêm bám biển
Kể về những quá trình gian khổ xây dựng và phát triển của Bệnh viện Quân y 175, Thiếu tướng - TTND - PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc bệnh viện cho biết, Bệnh viện Quân y 175 ra đời ngay sau khi đất nước giải phóng, phải đối mặt với hàng loạt khó khăn của tình hình lúc bấy giờ cả về con người và cơ sở vật chất. Ngay sau đó, Bệnh viện lại “chia lửa” với chiến trường Campuchia và Tây Nguyên.
Liên tiếp trong mấy chục năm, Bệnh viện vừa phải đảm bảo cấp cứu, thu dung, điều trị cho các chiến trường, đảm bảo cho y tế biển đảo, đồng thời tiến dần đến chính quy hiện đại, hòa nhập với y tế TPHCM. Đến nay, với 56 khoa – phòng – ban, hàng ngày Bệnh viện đón nhận 2.000 – 2.500 lượt bệnh nhân ngoại trú, 1.300 – 1.500 bệnh nhân nội trú, đảm bảo phục vụ cho hơn 235.000 bệnh nhân có thẻ BHYT.
Nhắc đến Trường Sa, đôi mắt người Thiếu tướng sáng rực niềm tự hào: “Từ một tổ quân y chỉ có 3 người, muôn trùng khó khăn gian khổ, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang bị thuốc men, thông tin liên lạc… hiện nay, chúng tôi đã có một trung tâm y tế Trường Sa khang trang, khá đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại, có thể giải quyết căn bản các cấp cứu Nội, Ngoại khoa tại chỗ cùng hệ thống truyền hình trực tuyến telemedicine kết nối với Bệnh viện Quân y 175 để xử lý tất cả các ca bệnh.
Điều này đã thay đổi một cách căn bản chất lượng chăm sóc y tế biển đảo. Trung tâm y tế Trường Sa không chỉ cứu chữa cho các chiến sĩ, người dân trên đảo mà còn là nơi gửi gắm niềm tin của các ngư dân hoạt động trên vùng biển Trường Sa. Nó như một điểm tựa vững chắc cho quân và dân ta yên tâm ngày đêm bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của biển đảo”.
Không thể kể hết những ca bệnh khó, những chuyến bay cấp cứu xuyên đêm đưa người bệnh từ đảo vào đất liền, những cuộc gặp gỡ xúc động với người bệnh mà Bệnh viện đã giành giật từ đại dương…, nhưng ấn tượng nhất với Thiếu tướng, đó là ca mổ đón em bé đầu tiên được sinh ra trên đảo Trường Sa dưới sự chỉ đạo bằng hệ thống Telemedicine – bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân.
Ông tâm sự: “Để đón cháu bé chào đời, chúng tôi đã phải chuẩn bị trong suốt 7 tháng, chuẩn bị từ những cái nhỏ nhất như gây tê cho mẹ ra sao, lấy máu đâu để truyền cho mẹ, hồi sức sơ sinh như thế nào… Mẹ bé lúc đó cũng khá lớn tuổi, lại có u xơ tử cung nên có thể sẽ xảy ra trường hợp đờ tử cung sau sinh, băng huyết, bé lại có 3 vòng nhau quấn cổ nhưng vẫn quyết tâm sinh con tại đảo… Khó có thể nói hết được áp lực đặt lên chúng tôi trong thời gian đó. Bệnh viện Quân y 175 thường xuyên phối hợp kiểm tra, hội chẩn với Trung tâm y tế Trường Sa trong mọi lần khám thai, kiểm tra sức khỏe của sản phụ. Đến khi cháu bé cất tiếng khóc chào đời an toàn thì tất cả chúng tôi đều vỡ òa niềm hạnh phúc. Đây đúng là mầm xuân tuyệt vời giữa muôn trùng sóng gió”.
Thiếu tướng - TTND - PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn |
“Việt Nam – Hồ Chí Minh number 1”
Ngày 1/10/2018, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã gửi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 lên đường sang Nam Sudan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Tướng Nguyễn Hồng Sơn cho biết, hoạt động này không chỉ khẳng định khả năng mà còn là trách nhiệm của Việt Nam tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình bằng các hoạt động nhân đạo, trong đó quân y lĩnh trách nhiệm tiên phong.
Sau 4 năm chuẩn bị, 63 cán bộ, chiến sĩ của Bệnh viện dã chiến 2.1 đã lên đường làm nhiệm vụ. Các bác sĩ Việt Nam đã phải hoạt động trong một môi trường khắc nghiệt, đối mặt với hiểm nguy, dịch bệnh sốt rét, ăn ở trong các container, lều bạt… nên ngoài công tác chính trị, tư tưởng thì đó là tinh thần nghị lực của từng cá nhân. Ngoài tay nghề ngành y, các sĩ quan Mũ nồi xanh phải trải qua một thời gian dài khổ luyện, từ ngoại ngữ tiếng Anh thành thạo cho đến các kỹ năng sinh tồn như tìm nguồn nước, xác định các loại củ quả ăn được, phòng chống rắn rết. Bên cạnh đó là khả năng phản ứng nhanh cấp cứu ngoại viện, làm việc tổ nhóm, lắp đặt, tháo dỡ, di dời doanh trại, các quy định của Liên hợp quốc về quan hệ đối ngoại, luật nhân đạo, bảo vệ thường dân, kỹ năng bảo vệ mình trước những hành vi quấy rối tình dục…
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn tâm sự: “Sau 1 năm hoạt động, Bệnh viện dã chiến 2.1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không chỉ đảm bảo nhiệm vụ do Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc giao phó, các bác sĩ Việt Nam còn tận tâm cứu chữa cho người dân địa phương. Tôi đã sang Nam Sudan và thật sự xúc động khi người dân ở đây nhìn thấy bác sĩ Việt Nam là chào “Việt Nam – Hồ Chí Minh number 1”.
Sân bay cấp cứu hàng không tại Bệnh viện Quân y 175 |
Sẽ là một tổ hợp y tế đa khoa mang tầm khu vực và quốc tế
Tháng 12/2019, Viện Chấn thương chỉnh hình 500 giường thuộc Bệnh viện Quân y 175 chính thức đưa vào hoạt động. Đây là một trong những Bệnh viện về đích sớm nhất của Đề án 125 của Chính phủ về phát triển các bệnh viện đa khoa tuyến cuối. Việc ra đời của Viện Chấn thương chỉnh hình với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, thiết kế hài hòa, hướng tới người bệnh không chỉ giảm tải cho các bệnh viện trong thành phố mà còn tăng cường khả năng tác chiến trong thời kỳ mới.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn cho biết, cùng với việc đưa vào hoạt động sân bay cấp cứu hàng không, trong thời gian tới, đây là sẽ là một trung tâm cấp cứu đường không, đường thủy và đường bộ. Trung tâm này không chỉ phục vụ cho TPHCM, các tỉnh lân cận mà còn phục vụ cho khu vực phía Nam và biển Đông, giành giật “giờ vàng” cấp cứu cho người bệnh không chỉ trong nước mà cả trong khu vực.
Với ý nghĩa chiến lược và nhiệm vụ chính trị quan trọng của Bệnh viện Quân y 175, Đảng, Nhà nước, Quân đội đang tập trung đầu tư rất lớn nhằm đưa Bệnh viện Quân y 175 thành một tổ hợp y tế đa khoa mang tầm khu vực và quốc tế với nhiều tính năng, đáp ứng nhiều chức năng, nhiệm vụ, không chỉ là hội nhập về y tế mà còn hội nhập quốc phòng khu vực và quốc tế.