Bé trai 10 tuổi rơi xuống ống bê tông ở Đồng Tháp đã tử vong

Sau nhiều ngày hàng trăm người nỗ lực cứu hộ bé trai Hạo Nam rơi xuống ống bê tông sâu 35m ở Đồng Tháp nhưng phép màu đã không xảy ra. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp xác nhận bé đã tử vong vào chiều 4/1.

Chiều tối 4/1, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết đến thời điểm này đã xác định bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) đã tử vong. Kết luận bé Nam tử vong là kết quả có sự phối hợp liên ngành giữa các đơn vị pháp y, y tế, chính quyền liên ngành cũng như đánh giá hiện trạng tại vị trí bé trai bị tai nạn.

“Đến lúc này điều kiện duy trì sự sống cho em bé đã kết thúc, em bé cũng đã tử vong”, ông Bửu thông tin.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, hiện lực lượng cứu hộ đã thay đổi các biện pháp để đưa em bé lên, sau đó sẽ lo các công việc tiếp theo. Tại hiện trường các biện pháp thi công vẫn đang được tiến hành, chia nhiều tổ, rút ngắn thời gian, không để xảy ra sai sót trong quá trình cứu hộ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại sau khi có hội chẩn, gặp gỡ gia đình và các đơn vị chuyên môn, xác định em bé đã tử vong, do đó phương án đưa em bé lên từ cọc ống bị tai nạn đang được thực hiện.

“Em bé đã tử vong, phải đưa lên bằng mọi cách sớm nhất để lo tang sự”, ông Bửu cho biết.

Trước đó, khoảng 11h30 phút ngày 31/12/2022, bé Thái Lý Hạo Nam cùng

một nhóm trẻ em độ tuổi từ 11 đến 12 đi vào công trường và được nhân viên bảo vệ phát hiện đuổi ra. Tuy nhiên, đến khoảng 11h50 phút, khi công nhân đang nghỉ trưa thì nhóm trẻ này lại vào công trường phía mố MA không rõ mục đích.

Đến 11h55 phút, em Thái Lý Hạo Nam lọt vào trong lòng cọc ống D500 tại mố MA (cọc C1-MA) có đường kính ngoài cọc 50 cm, đường kính trong 25 cm. Tại thời điểm xảy ra sự cố, công trường ngừng làm việc và công nhân đang nghỉ trưa. Trước thời điểm đó, công trình vẫn hoạt động thi công bình thường.

Sau nhiều giải pháp được đưa ra, phương án cuối cùng để giải cứu bé Nam là dùng xe đóng cọc bê tông khoan nhồi, lay động để làm loãng bùn đất xung quanh cọc. Sau đó, đơn vị thi công đóng ống vách thép có đường kính 1,5 m xuống sâu lòng đất, vây quanh cọc bê tông có em Nam bên trong. Khi đủ điều kiện, đội cứu hộ cứu nạn sẽ tiến hành kéo ống cọc bê tông lên.

Theo ông Đoàn Tấn Bửu, phương án cứu hộ móng cọc bê tông mà tỉnh đang triển khai xuyên thấu tới độ sâu 35m trên một tầng đất sét ở cuối cọc. Xung quanh đó đã có những cọc đóng trước rồi nên khu vực này có độ nén đất rất lớn nên khi chúng ta khoan cọc xuống ở độ sâu 30-40m thì gặp những tầng đất rất phức tạp và rất chắc, bám dính nên việc xử lý khoan trong lồng ống chật hẹp sẽ rất khó khăn.

Được biết, công trình cầu kênh Rọc Sen - nơi bé Hạo Nam rơi xuống - thuộc gói thầu số 14 thi công cầu, nền, mặt đường và cống thoát nước do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty Cổ phần Công trình cầu phà TP.HCM - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vận tải Xây dựng giao thông T&T. Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải làm đơn vị giám sát.

Theo Đời sống
Thông tàu hỏa chạy qua cầu Đuống, cầu Long Biên

Thông tàu hỏa chạy qua cầu Đuống, cầu Long Biên

Ngay sau khi mực nước sông Hồng và sông Đuống giảm, VNR đã thử tải và kiểm tra tàu chạy qua các cây cầu này, để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu, sau đó mới quyết định mở hoạt động trở lại.
back to top