Bé 2 tuổi bị muỗi đốt nhiễm khuẩn huyết

Từ vết muỗi đốt vi khuẩn tiết ra độc tố gây ra viêm phổi, tim, hoại tử xương và nhiễm khuẩn huyết suy đa tạng và tử vong nhanh chóng… nên cha mẹ cần chú ý.

Ngày 28/3, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Sản nhi Nghệ An tiếp nhận trường hợp bệnh nhi L.H.K (25 tháng tuổi, TP Vinh, Nghệ An) trong tình trạng nặng nghi do tụ cầu đường vào qua da do muỗi đốt.

Theo lời gia đình kể lại, cách nhập viện 6 ngày, trẻ bị muỗi đốt vùng khuỷu tay (P), trẻ ngứa gãi trợt da, gia đình đã băng lại. Sau đó, trẻ sốt cao từng cơn, vùng muỗi đốt sưng nề lan tỏa, ngứa, nóng đỏ, da nổi ban sẩn đỏ vùng mặt, nôn thức ăn, mệt nhiều.

Tại khoa Cấp cứu, qua thăm khám lâm sàng các bác sĩ nhanh chóng nhận định đây là một trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết mà đường vào từ viêm mô tế bào vùng khuỷu tay phải.

Bé 2 tuổi bị muỗi đốt nhiễm khuẩn huyết ảnh 1

Bé 2 tuổi bị muỗi đốt nhiễm khuẩn huyết

Theo TS.BSNT Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Nhiễm khuẩn da thường gặp do tụ cầu, đặc biệt là tụ cầu vàng dễ gây nhiễm khuẩn huyết thông qua những nốt mụn nhọt ngoài da, những vết cắt hoặc vết thương khác trên da.

Vi khuẩn tiết ra độc tố gây hại đối với cơ thể, dẫn đến các ổ viêm mủ ở nhiều cơ quan như phổi (viêm phổi hoại tử, viêm mủ màng phổi..), tim (viêm mủ màng tim, viêm trong buồng tim), xương khớp (các ở viêm mủ ở cơ, viêm mủ trong xương gây hoại tử xương), rối loạn đông máu, tổn thương suy đa tạng và tử vong nhanh chóng.

“Nhiễm khuẩn huyết có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, những trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng có nguy cơ cao, diễn biến bệnh nặng lên nhanh chóng. Nhiễm khuẩn huyết tụ cầu ở trẻ em được xem là một trong những căn bệnh nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng, để lại nhiều di chứng nặng nề” – TS.BSNT Cương nhấn mạnh.

Chính vì thế, để phòng tránh nhiễm khuẩn, các bậc phụ huynh cần giữ vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, mặc thoáng cho trẻ, tránh để mồ hôi vì đây là điều kiện thuận lợi để tụ cầu phát triển và gây bệnh.

Khi trẻ có mụn, nhọt, cha mẹ không được tự ý chích, nặn hoặc dùng các loại cao dán, lá cây để đắp vì dễ gây viêm loét diện rộng, gây nhiễm trùng máu; vết cắt, vết trầy xước trên da phải luôn được giữ sạch sẽ cho đến khi lành.

Nếu trẻ có sốt hoặc vùng tổn thương ngoài da sưng nóng đỏ nhiều, nên sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc kháng sinh để điều trị vì nhóm vi khuẩn tụ cầu cần được điều trị bằng nhóm kháng sinh đặc hiệu.

Theo VietnamDaily
Đau ở đâu báo bệnh ở đó?

Đau nhức cơ thể, vì sao?

Tình trạng đau nhức cơ thể có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau: nhiễm trùng, bệnh tật hoặc một số loại thuốc nhất định... Xác định được nguyên nhân chính xác gây đau để có biện pháp kiểm soát và điều trị bệnh hiệu quả.
back to top