Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 23/3 và một số ngày tới chỉ số tia cực tím (UV) cực đại tại các tỉnh, thành miền Bắc đạt ngưỡng nguy cơ gây hại cao ở mức 6.3 - 6.8. Riêng Thủ đô Hà Nội đạt ngưỡng nguy cơ rất cao ở mức 8.4. Các tỉnh, thành miền Trung mức nguy cơ gây hại nằm ở ngưỡng trung bình. Đối với các tỉnh, thành miền Nam, dự báo chỉ số UV ở ngưỡng cao tới rất cao. Trong 3 ngày tới từ ngày 24 - 26/3, miền Bắc tiếp tục được dự báo ngưỡng nguy cơ gây hại của tia UV ở mức cao phổ biến là từ 6.0 - 8.0. Miền Trung và miền Nam được dự báo đạt mức nguy cơ rất cao, phổ biến là 10.0.
Hai ngày cuối tuần, bức xạ tia cực tím ở Bắc Bộ tăng nhẹ, ở Nam Bộ tăng cao. Theo đó, tại miền Nam cao nhất là TPHCM và Cần Thơ chỉ số tia cực tím lên tới 10.4. TP Cà Mau (Cà Mau) chỉ số tia cực tím trong khung giờ 12 giờ là 9.5.
Theo thang bảng đo chỉ số tia cực tím, từ 3 - 5 là trung bình, từ 6 - 7 là cao, từ 8 - 10 là rất cao, trên 10.5 là đặc biệt cao, rất nguy hiểm. Tia cực tím có thể xuyên qua mây và các loại cửa kính, nếu da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian 25 phút khi chỉ số tia cực tím ở ngưỡng rất cao sẽ gây bỏng. Ở ngưỡng cực kỳ cao, tia cực tím gây ra những nguy cơ làm tổn thương da, bỏng mắt nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.
PGS.TS Phạm Văn Nho, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, tia cực tím có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống như tổng hợp vitamin D, chống còi xương, phòng ngừa ung thư ruột kết; chữa một số bệnh ngoài da… Tuy nhiên, bức xạ cực tím UV và các bức xạ khác có trong ánh sáng mặt trời cũng rất nguy hại khi con người ở ngoài trời lâu, đặc biệt là thời điểm chỉ số UV tăng cao (thường từ 10 – 15 giờ hàng ngày), có thể gây nên một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da hoặc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể… Với chỉ số tia UV từ 8 - 10, người tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng có nguy cơ cao bị bỏng da, cháy da.
Để tránh tác hại của tia UV, cần hạn chế ra ngoài trời khi nắng gắt. Khi ra ngoài trời nắng, cần đội nón rộng vành, có chiều rộng vành trên 2,5cm, phủ được 2/3 khuôn mặt; sử dụng ô; hoặc đeo mắt kính màu sậm; đeo khẩu trang, mặc áo khoác và thoa kem chống nắng... Hạn chế tiếp xúc với tia UV là tránh ở ngoài trời dưới ánh nắng trực tiếp quá lâu. Điều này đặc biệt quan trọng trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, khi tia UV mạnh nhất.