Bán tháo bất động sản chưa là xu hướng thị trường?

(khoahocdoisong.vn) - Gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) xuất hiện loạt thông tin, do khó khăn vì Covid-19, dưới áp lực tài chính đến hạn phải trả ngân hàng, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã chấp nhận bán lỗ, thậm chí cắt lỗ sâu để ra được hàng. Thực tế này đang diễn ra như thế nào trên thị trường BĐS?

Mức độ quan tâm BĐS sụt giảm

Dịch Covid-19 lần thứ hai bùng phát bắt đầu từ Đà Nẵng và đang lan ra nhiều tỉnh, thành phố khác đã thêm tác động khiến thị trường BĐS chưa kịp hồi phục đã tiếp tục giảm sâu. Mọi kế hoạch bán hàng của doanh nghiệp và các sàn BĐS gần như đảo lộn khi làn sóng tích trữ tiền mặt, rút khỏi các hoạt động đầu tư lại diễn ra. Theo ghi nhận của phóng viên, trong tháng 7 và 8, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã lên kế hoạch bung sản phẩm ra thị trường, song trước sự bùng phát trở lại của dịch, khả năng cao là kế hoạch của nhiều doanh nghiệp sẽ bị đình hoãn.

Đặc biệt, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới trải qua một đợt khó khăn, đang trở lại hoạt động thì lại tiếp tục chịu những tổn thất về nhân sự, tài chính. Nếu phải có một đợt giãn cách xã hội lần 2, thị trường BĐS có nguy cơ “đóng băng” hoàn toàn. Cùng với đó, khách hàng có nguồn tài chính eo hẹp hơn, xu hướng tích lũy tiền mặt sẽ được ưu tiên, ảnh hưởng đến sức mua của BĐS. Riêng nhà đầu tư, tâm lý thận trọng với việc đầu tư BĐS sẽ khiến dòng tiền chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Theo báo cáo tiêu điểm thị trường BĐS tháng 7 của sàn batdongsan.com.vn, làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát trở lại ở Việt Nam từ ngày 25/7 đã lập tức tác động tới thị trường. Lượng tin đăng và mức độ quan tâm giảm trong các ngày cuối tháng. Tính chung cả tháng, mức độ quan tâm giảm 7% so với tháng trước, người tìm kiếm ít quan tâm tới đất thổ cư hơn.

Tại Hà Nội, lượng tin đăng bán BĐS tăng 1% so với tháng trước, nhưng mức độ quan tâm giảm 4%, nhiều nhất ở phân khúc nhà biệt thự, liền kề. Trong đó, BĐS Hà Đông được quan tâm nhất.

Tại TPHCM, lượng tin đăng tăng 5% nhưng mức độ quan tâm giảm 7% so với tháng trước. Khu vực quận 2, quận 7 vẫn nhận được sự quan tâm nhiều nhất của thị trường. Đà Nẵng, tâm dịch của cả nước, có sự sụt giảm độ quan tâm cao nhất, tới 20%.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho biết: “Dù chịu ảnh hưởng từ dịch nhưng giá bán BĐS sẽ không xuống do khan hàng, nhất là nhà giá rẻ và trung bình vì hiện tại nhu cầu mua ở thực rất lớn. Thị trường BĐS đang tồn tại một thực tế vô lý là dịch bệnh, giao dịch giảm nhưng giá không giảm”.

Cũng theo ông Điệp, BĐS Việt Nam đang trong giai đoạn cao điểm của đô thị hóa nên việc tăng, giảm đương nhiên sẽ xảy ra, nhất là thời điểm dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng lớn về tâm lý. Một số người có thể muốn mua và có nhu cầu mua nhà, nhưng vì sợ dịch bệnh kéo dài nên đã đình lại. Trong giai đoạn này, thị trường sẽ khó khăn hơn những tháng trước, nhưng nếu dịch qua đi, không bùng phát thì thị trường sẽ sôi động lại.

Mức độ quan tâm BĐS sụt giảm khi Covid-19 bùng phát lần 2.

Mức độ quan tâm BĐS sụt giảm khi Covid-19 bùng phát lần 2.

Có hiện tượng bán tháo?

Không thể phủ nhận, dịch Covid-19 tái bùng phát đang khiến sức chịu đựng của thị trường BĐS nói chung, các NĐT nói riêng giảm đi. Trong đó, có nhiều NĐT BĐS mất khả năng thanh toán, thậm chí trong vài tháng trở thành con nợ của chủ đầu tư.

Tuy nhiên, hiện tượng bán tháo, bán bằng mọi giá chưa thể hiện xu hướng chung của thị trường nhà đất lúc này, có chăng chỉ là những trường hợp cá biệt. Thực tế có trường hợp NĐT bán dưới giá vốn, hoặc bán ngang giá, mất cơ hội đầu tư vì áp lực tài chính hiện tại, nhưng số lượng là khá ít.

Lý do, theo nhiều NĐT, nếu dịch được kiểm soát tốt vào cuối năm thì giá BĐS sẽ tiếp tục đà tăng, trong khi nguồn cung BĐS đang khá ít, dù nhu cầu thật vẫn có. Cho nên, việc nắm giữ tài sản trong vòng vài tháng, thậm chí trả lãi ngân hàng với tài sản đang nắm giữ cũng không khiến những NĐT lâu năm "nhụt chí". Đa số những sản phẩm cắt lỗ ở giai đoạn này đến từ các NĐT mới vào thị trường hoặc NĐT dùng đòn bẩy tài chính quá lớn cho cùng lúc nhiều sản phẩm.

Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cho hay, làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến các NĐT BĐS, đặc biệt là những nhà đầu cơ, buộc họ phải bán sản phẩm ra. Đối với nhóm nhà đầu tư có BĐS giá trị lớn như nhà phố trên 20 tỷ đồng, đất nền trên 10 tỷ đồng có thể sẽ bán ra khoảng 20% số lượng BĐS họ đang nắm giữ. Thứ hai là nhóm đầu cơ có tiềm lực tài chính hạn chế phải vay ngân hàng trên 70% giá trị BĐS, thì sẽ bán ra 40% số lượng nhà, đất họ đang nắm.

"Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa xuất hiện giảm giá mạnh mà chỉ là giảm "hữu nghị". Ví dụ, chủ nhà rao bán giá không giảm nhưng nếu gặp khách thiện chí muốn mua thì có thể chủ động giảm 1 - 2%. Giá nhà, đất không giảm nhưng nhà đầu tư có thể chi trả phí môi giới cao hơn. Bình thường là 2% nhưng giờ có thể cho môi giới tới 4% để bán được nhanh hơn" - ông Quang nói.

Làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến các NĐT. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa xuất hiện giảm giá mạnh mà chỉ là giảm "hữu nghị".

Làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến các NĐT. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa xuất hiện giảm giá mạnh mà chỉ là giảm "hữu nghị".

Theo giới phân tích, thời gian tới thị trường BĐS có thể sẽ sớm phục hồi, hiện tượng bán tháo cắt lỗ không nhiều, giá BĐS sẽ đi ngang thậm chí tăng nhẹ khi dịch bệnh được đẩy lùi. Điều này được khẳng định bởi một số yếu tố:

Thứ nhất, nhu cầu thực và nhu cầu đầu tư BĐS trong dân vẫn rất cao. Một cuộc khảo sát từ Batdongsan.com.vn với gần 15.000 người tham gia cho thấy kết quả lựa chọn các kênh đầu tư có tỷ lệ như sau: 29% chọn BĐS, 24% chọn gửi tiết kiệm, 16% chọn vàng, 12% chọn chứng khoán và 12% chọn tiền mặt.

Thứ hai, dịch Covid-19 là một biến cố bất ngờ và chỉ tác động trong một thời gian nhất định. Hiện tại, hoạt động giao dịch tạm trì hoãn chỉ gây khó khăn cho những người thu lợi từ dịch vụ trực tiếp, chủ yếu là lực lượng môi giới BĐS. Thứ ba, Chính phủ đã có các biện pháp hỗ trợ kịp thời để thị trường BĐS có thể hồi phục tốt sau dịch bệnh.

Và thứ tư, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đã tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế khi kiểm soát được dịch ở lần bùng phát đầu tiên. Do đó, khi kiểm soát được lần bùng phát thứ 2 này, kinh tế nói chung và BĐS nói riêng sẽ sớm hồi phục.

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top