Kit test nhanh Covid-19 mỗi nơi một giá
Hôm 26/9, tại Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam - cho biết trong công tác phòng chống dịch, ngoài công sức còn tốn kém rất nhiều chi phí, trong đó có chi phí xét nghiệm nhanh.
Cụ thể, giá kit test nhanh Covid-19 tại nước ngoài chỉ khoảng 1,5 USD/bộ (khoảng 35.000 đồng). Nếu về đến Việt Nam, giá khoảng 50.000 đồng/bộ. Như vậy, nếu mua được giá gốc với số lượng lớn có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỉ đồng.
Ông Đặng Hồng Anh đề xuất, Bộ Y tế nên chủ trì cùng các địa phương đàm phán trực tiếp với nhà sản xuất test xét nghiệm nhanh để mua số lượng lớn với chi phí gốc.
Ý kiến của ông Đặng Hồng Anh đã "dậy sóng" dư luận, nhiều người dân cho rằng, họ đang trả quá nhiều tiền cho việc test nhanh Covid-19.
Chị Đoàn Thị Ngọc Duyên (quận 12) kể, sáng 28/9 chị đi khám răng tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TPHCM và phải chi 238.000 đồng cho phí test nhanh Covid-19.
"Tôi đi khám răng chưa đến 200.000 đồng mà phí test nhanh tới 238.000 đồng. Giá bán bộ kit test nhanh bên ngoài cao ngất ngưởng, dân buôn muốn bán giá nào thì bán" - chị Duyên nói.
Theo chị Duyên, đầu tháng 8, chị mua 4 bộ kit test nhanh Covid-19 hiệu Humasis của Hàn Quốc với giá một triệu đồng, tức 250.000 đồng/bộ. Đến giữa tháng 9, chị cũng mua loại kít test này nhưng giá chỉ còn 150.000 đồng/bộ.
Còn ông Lê Việt Anh (quận 7) cho hay, ông cũng vừa mua hai bộ kit test nhanh của Humasis tại một hệ thống nhà thuốc lớn với giá 145.000 đồng/bộ.
Theo một số người kinh doanh trang thiết bị y tế, hiện nay khi bán kit test nhanh, dân buôn đang lãi khoảng 50.000 đồng/bộ. Thời điểm trước đó, tiền lãi có thể trên dưới 100.000 đồng.
Anh Nguyễn Vinh - một người kinh doanh trang thiết bị y tế tại TP Thủ Đức - chia sẻ một bộ kit test nhanh Humasis đang được anh bán sỉ giá 95.000 đồng/bộ và bán lẻ 110.000 đồng/bộ, tất cả đều đã bao gồm thuế VAT. Anh Vinh khẳng định đây là kit test nhanh bán chạy hàng đầu trên thị trường.
Theo anh Vinh, thị trường cũng đang bán loại kit test nhanh hiệu Trueline do Việt Nam sản xuất, giá bán sỉ khoảng 82.000 đồng/bộ, giá bán lẻ từ 100.000 - 105.000 đồng/bộ.
Anh Vinh nhận định, giá kit test nhanh đang phụ thuộc hoàn toàn vào người bán. Nếu người bán chia sẻ với người tiêu dùng, họ sẽ chấp nhận lãi ít và ngược lại. Mỗi bộ test đang được bán với giá từ 150.000 - 250.000 đồng thì dân buôn đã lãi quá đậm - anh Vinh đánh giá.
Cũng theo giới kinh doanh trang thiết bị y tế tại TPHCM, các loại kit test nhanh thịnh hành tại thành phố đang có giá sỉ dao động từ 82.000 - 96.000 đồng/bộ, tùy vào chất lượng, xuất xứ. Các loại kit test nhanh xuất xứ từ Hàn Quốc chiếm khoảng 60% thị trường, 40% còn lại có sản xuất ở Việt Nam, Trung Quốc, châu Âu.
Giá đắt nhưng vẫn "ngoáy mũi" liên tục
Ông Phạm Thắng - chủ một doanh nghiệp vận tải ở TPHCM - cho biết các tài xế của ông đang "kêu trời" vì bị ngoáy mũi vô tội vạ.
Theo ông Thắng, dù tài xế có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 còn giá trị trong 3 ngày, nhưng khi đến địa phận huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai thì lại bị lực lượng tại các chốt kiểm soát yêu cầu test nhanh với lý do "bảo vệ vùng xanh".
Ông Thắng cho rằng, dù việc test nhanh không mất tiền nhưng nó gây phiền toái cho người dân và tốn ngân sách Nhà nước, gây lãng phí.
Trong khi đó, theo văn bản của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Định Quán, lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa vào địa bàn phải có giấy xét nghiệm test nhanh Covid-19 âm tính trong thời gian 3 ngày. Đồng thời, khi vào địa bàn huyện này phải thực hiện test nhanh Covid-19.
Quy định này đã khiến lái xe, phụ xe phải "ngoáy mũi", lấy mẫu liên tục. Một số tài xế vừa test nhanh Covid-19 ở TPHCM buổi sáng, nhưng đến trưa tiếp tục phải lấy mẫu ở huyện Định Quán.
Không chỉ giới tài xế, nhiều người dân sinh sống tại các chung cư ở TPHCM cũng bày tỏ bức xúc trước việc bị "ngoáy mũi" liên tục.
Chị Võ Hiền (TP Thủ Đức) kể hôm 24/9, chung cư của chị được yêu cầu lấy mẫu test Covid-19. Toàn bộ cư dân có kết quả âm tính. Đến 28/9, cư dân lại phải tiếp tục đi lấy mẫu tiếp, việc này gây khó chịu, phiền phức cho người dân.
Nhiều người dân khác tại TPHCM có chung quan điểm với chị Hiền, khi thời gian qua họ phải test Covid-19 liên tục, cứ 3 - 4 ngày phải lấy mẫu một lần.
Một số người cho rằng cần giãn mật độ lấy mẫu và chỉ nên xét nghiệm với những người có triệu chứng của Covid-19 hoặc cảm cúm, nhằm tiết kiệm ngân sách.
Bộ Y tế nói gì?
Liên quan đến việc quản lý giá kit test nhanh Covid-19, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế), cho biết hiện nay trang thiết bị y tế nói chung, trong đó có các vật tư xét nghiệm nhanh Covid-19 không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, mà thông qua đấu thầu mua sắm tại cơ sở y tế. Giá bán trang thiết bị y tế được quyết định, điều tiết bởi cơ chế thị trường.
Để giúp các đơn vị mua sắm được đúng chủng loại, đúng giá trị, tránh hiện tượng thổi giá, đội giá thì từ năm 2020, Bộ Y tế đã yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai giá các trang thiết bị y tế lên cổng công khai y tế.
Giá niêm yết này là giá công ty mong muốn bán ở thị trường Việt Nam, đơn vị tự chịu trách nhiệm về điều này. Khi mua sắm, các địa phương có thể tham khảo giá trúng thầu được công khai trên cổng.
Theo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, có gần 90 loại test nhanh đang được lưu hành tại nước ta, bao gồm cả sản xuất trong nước và nhập khẩu (từ nhiều nước khác nhau). Hiện giá các loại test xét nghiệm nhanh dao động từ 80.000 - 130.000 đồng, đã giảm mạnh so với tháng 8 do một số doanh nghiệp điều chỉnh giá.
Ngày 23/9, Bộ Y tế cũng đã có công văn về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19.
Tăng cường sản xuất, kinh doanh sinh phẩm, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 nhằm tránh việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương thanh kiểm tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch tránh tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm.