Bài thuốc bổ phế, chữa ho hiệu quả

Theo Y học cổ truyền, tiết thu “khí táo" với đặc tính khô hanh là chủ khí gây tổn thương phần âm dịch của cơ thể, làm hại tạng phế gây các bệnh lý đường hô hấp. Y học cổ truyền tích lũy nhiều kinh nghiệm để chữa trị bệnh này.

Phế trong đông y không chỉ là cơ quan hô hấp mà toàn bộ khí của cơ thể khắp trên dưới, trong ngoài đều do phế làm chủ. Rối loạn chức năng phế chủ khí sẽ dẫn đến những triệu chứng ở bộ máy hô hấp: Ho, khó thở, suyễn, nặng tức ngực. Những triệu chứng của tình trạng suy nhược: Mệt mỏi, thiếu hơi, đoản khí. Ho nội thương do phế hư là do phế nhiệt lâu ngày làm cho phần âm bị hư tổn, phế khí không đủ gây ho, phế khí nghịch gây khó thở...

Để phục hồi tạng phế, chữa ho lâu ngày, Y học cổ truyền tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm, trong đó có một số loại trà thuốc dễ chế nhưng rất công hiệu.

Nhân sâm trị ho khan, khó thở: Nhân sâm 120 g, thiên môn 240 g, mạch môn 240 g, sinh địa 240 g, thục địa 240 g. Các vị sấy khô, thái vụn, trộn đều, mỗi ngày dùng 30 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Ích khí dưỡng âm, phù chính cố bản, dùng rất thích hợp cho những người lớn tuổi, hình thể gầy yếu, mắc các bệnh đường hô hấp, ho khan, khó thở, môi khô miệng khát, dễ mỏi mệt, đại tiện táo...

Nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh bài trà dược này có khả năng nâng cao thể lực, cải thiện hệ thống miễn dịch và điều tiết hoạt động của tuyến vỏ thượng thận. Người có tuổi bị viêm phế quản mạn tính và hen phế quản dùng khá công hiệu.

Nấm linh chi trị ho lâu ngày: Nấm linh chi 9 g, ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng) 12 g, đường phèn vừa đủ. Hai vị thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, hoà với đường phèn uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Dưỡng âm nhuận phế, giảm ho trừ đờm, an thần ích trí, dùng rất thích hợp cho những người bị ho hen lâu ngày, môi khô miệng khát, mất ngủ, đầu choáng mắt hoa, hay quên, tinh thần mỏi mệt, đại tiện táo kết...

Trong bài, nấm linh chi đã được chứng minh là có tác dụng nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống thần kinh, ức chế phản ứng quá mẫn, thúc đẩy quá trình hội phục của tế bào niêm mạc phế quản, giảm ho, long đờm…

Mạch môn chữa viêm phổi: Mạch môn 12 g, ngọc trúc 12 g, sa sâm 12 g, sinh địa 12 g. Các vị sấy khô tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Dưỡng âm, sinh tân dịch, nhuận táo, dùng rất tốt cho những người bị các bệnh có sốt giai đoạn hồi phục như sốt xuất huyết, viêm phế quản, viêm phổi, viêm cơ khớp... có các triệu chứng như mệt nhiều, miệng khô họng khát, lưỡi đỏ, người gầy, có thể có ho khan, đổ mồ hôi trộm, đại tiện táo, tiểu tiện vàng... Khi dùng, nếu có hiện tượng đầy bụng, chậm tiêu và đi lỏng thì cho thêm bạch biển đậu sao vàng 10 g, mạch nha 15 g, gừng tươi một lát.

Ngũ vị tử phục hồi ho kéo dài: Nhân sâm 10 g, mạch môn 10 g, ngũ vị tử 10 g. Các vị sấy khô tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Ích khí sinh tân dịch, dưỡng âm cầm mồ hôi, rất thích hợp cho những người suy nhược sau ốm dậy, dễ mỏi mệt, khó thở, miệng khô họng khát, ngủ kém hay mê, hồi hộp, mắc các bệnh lý đường hô hấp lâu ngày gây ho kéo dài, ho khan, khó khạc đờm.

Đông trùng hạ thảo giảm ho, long đờm: Đông trùng hạ thảo 5 g, sa sâm 10 g. Hai vị tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Bổ phế ích thận, nhuận táo dưỡng âm và giảm ho, dùng rất tốt cho những người bị suy nhược cơ thể, hay có cảm giác nóng bức về chiều, đổ mồ hôi trộm, người gầy, miệng khô họng ráo, ho nhiều, đại tiện hay táo.

Trong bài, đông trùng hạ thảo là một vị thuốc quý có công dụng bồi bổ, ích khí dưỡng tinh, giảm ho, long đờm, bình suyễn; sa sâm có tác dụng dưỡng phế, bồi bổ phần âm. Hai vị phối hợp với nhau thành một công thức trà dược bổ dưỡng rất tốt trong mùa thu.

Bất kỳ loại ho nào cũng nên uống nhiều nước để đờm loãng ra. Có thể hít hơi nước nóng hoặc xông nước nóng. Tuyệt đối không nên hút thuốc lá, thuốc lào.

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (Nguyên Chủ nhiệm khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

Theo Đời sống
Vi khuẩn Salmonella và E.coli nguy hiểm thế nào?

Vi khuẩn Salmonella và E.coli nguy hiểm thế nào?

So với E.coli, ngộ độc do Salmonella triệu chứng nặng và nguy hiểm hơn. Để đảm bảo sức khỏe, nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn, bạn nên đi khám khi có dấu hiệu sốt cao kèm tiêu chảy, mất nước, đau bụng dữ dội,...
back to top