Bài tập cải thiện thị lực

Sau mưa lũ, môi trường sống, nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm nên dễ phát sinh các bệnh như đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ... Một số bài tập luyện cho mắt có thể giúp mắt sáng khỏe, cải thiện thị lực.

Dân gian có câu “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, ý muốn nói đến vai trò cực kỳ quan trọng của đôi mắt đối với cuộc sống của con người. Vì vậy, từ xa xưa cổ nhân đã thực hành và chiêm nghiệm nhiều biện pháp dưỡng sinh đôi mắt khỏe, đẹp và phòng bệnh tật.

Dưỡng sinh mắt vừa đẹp vừa tránh bệnh

1. Sáng sớm khi tỉnh giấc, xát hai bàn tay vào nhau cho nóng lên rồi áp lên mắt ba lần, đồng thời tưởng tượng thấy cảnh đồng quê hoặc những gương mặt mình yêu mến.

Buổi tối, trước khi đi ngủ, dùng ba ngón tay trỏ, giữa và nhẫn khép vào nhau vuốt nhẹ hai mắt từ trong ra ngoài năm lần. Động tác này được gọi là “Phát thần quang”.

2. Dùng hai bàn tay che hai mắt, nhắm mắt lại rồi từ từ day tròn con ngươi 36 lần. Tiếp đó, dùng hai ngón tay trỏ đặt vào hai khóe mắt sát cạnh sống mũi day trong 1 phút. Vị trí đó gọi là huyệt “Tình minh” có công dụng làm sáng mắt.

Cuối cùng chớp mắt bằng cách một nhắm một mở, xen kẽ hoặc dùng cách nhắm mắt rồi cố gắng nhướn mày thật cao trong khi mắt vẫn nhắm.

Bài tập cải thiện thị lực - Ảnh minh họa

Bài tập cải thiện thị lực - Ảnh minh họa

3. Đứng thẳng, chân rộng bằng vai, hai tay chống nạnh, đầu hơi ngửa, hai mắt trợn, cố gắng để tròng mắt lồi ra, sau đó đảo tròng mắt thuận rồi ngược chiều kim đồng hồ, mỗi chiều 7 lần, cuối cùng nhìn ngước lên rồi nhìn xuống 7 lần. Khi đảo mắt, đầu cần giữ yên. Lặp lại mỗi động tác 3 lần.

4. Ban ngày, ngồi xếp bằng, mở to hai mắt tập trung nhìn vào một điểm cố định, khi mỏi nhắm mắt lại trong giây lát rồi lại tiếp tục như vậy vài lần.

Ban tối, tìm chỗ tĩnh ngồi, tắt đèn rồi xoay nhãn cầu đủ 81 lần. Xong, nhắm mắt lại, tập trung tinh thần một lúc rồi lại xoay tiếp vài lần. Kiên trì làm động tác này sẽ giúp cho mắt sáng lên và dự phòng tích cực các bệnh lý về mắt.

5. Buổi sáng, khi rửa mặt, dùng khăn thấm nước ấm nóng đắp lên mắt vài lần khiến cho khí huyết được lưu thông, tăng cường nuôi dưỡng cho mắt. Khi làm việc hoặc đọc sách, khi đi ngoài trời lạnh về, thấy mắt mỏi thì dùng nước ấm vã lên mắt.

6. Nên dùng lá dâu tằm sắc lấy nước đặc để rửa mắt. Những ngày tốt nhất để rửa mắt là mùng 2,4 và 8 tháng giêng; mùng 2,7 và 10 tháng hai; mùng 1,3 và 10 tháng ba; mùng 1,4 và 7 tháng tư; mùng 1 và 7 tháng năm; mùng 2 và 7 tháng sáu; mùng 7 và 10 tháng bảy; mùng 2 và 3 tháng tám; mùng 2 và 10 tháng chín; 19, 29 và 30 tháng mười; mùng 10, 24, 29 và 30 tháng mười một; mùng 10, 21 và 22 tháng chạp.

Vận động khí công cho sáng mắt, tinh thần thanh thản

Có những động tác vận động khí công rất đơn giản không chỉ giúp sáng mắt mà còn giúp tinh thần thanh thản, khỏe mạnh.

Vận động nhãn cầu: Liếc mắt trái phải, biên độ 180o, làm nhiều lần; Liếc mắt trên dưới, biên độ 180o, làm nhiều lần; Đảo tròng mắt theo chiều kim đồng hồ nhiều vòng, sau đó đảo ngược nhiều vòng.

Nhìn xa: Quan sát toàn cảnh không gian trời đất với sự rộng mở và thanh bình, với tâm không suy nghĩ.

Nhìn gần: Để ngón tay trỏ trái phía trước huyệt ấn đường (huyệt giữa 2 con mắt) và cách mắt 20 cm. Khi hít vào ta đưa ngón tay từ từ gần mắt, khi thở ra ta đưa ngón tay từ từ ra 20 cm. Khi ta có cảm giác hơi căng tức ấn đường và đầu ngón trỏ hơi căng, tê là được. Trung bình từ 18 – 36 hơi thở.

Tập trung tinh thần:Có thể nhìn một vật tĩnh hay một vật động như bức ảnh, chậu cảnh, tượng phật… một cách chăm chú, xuyên suốt, không lay động trong chính niệm (suy nghĩ). Khi nhắm mắt lại, ta quán tưởng hình ảnh ta nhìn thấy lúc trước vẫn hiện hữu trong não. Thực hiện 9 lần trở lên.

Nhiếp thị ngưng thần:Nhắm mắt lại, dùng ngón cái 2 bàn tay bịt chặt màng nhĩ, ngón giữa ấn vào huyệt Thái dương dưới cung thùy trán và ngón trỏ ấn vào xương Ngọc chẩm (hai ụ xương phía sau gáy). Đây là cách nhìn nội thể - tức là nhìn và nghe bên trong bản thể, để cảm nhận sự rỗng lặng trong cơ thể mình, một cảm giác sảng khoái, lâng lâng.

Xoa vuốt mắt:Dùng ngón trỏ 2 tay vuốt nhẹ trên mi trên và mi dưới 2 mắt.

Để bảo vệ mắt, cổ nhân khuyên không nên nhìn vào mặt trời, mặt trăng và đèn lâu sẽ hại mắt. Khi mắt bị đỏ thì không nên phòng sự để tránh bệnh đục thủy tinh thể. Những ngày rửa mắt bằng nước sắc lá dâu không được uống rượu.

BS Khánh Hoàng (Hội Đông Y Việt Nam)

Theo Đời sống
Mắc bệnh "người gấu" vì... nghiện rượu lâu năm

Mắc bệnh "người gấu" vì... nghiện rượu lâu năm

Bệnh Madelung là một rối loạn hiếm gặp đặc trưng bởi sự tích tụ không đều của mô mỡ dưới da, thường xuất hiện ở vùng cổ, vai và lưng trên. Thường gặp ở nam giới trung niên và có liên quan mật thiết đến việc tiêu thụ rượu bia.
back to top