Ông Phạm Cao Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho hay, mực nước rác tại các hồ xử lý ở Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) đã vượt ngưỡng an toàn. Những ngày qua, do mưa lớn, hồ xử lý nước bị rò rỉ bờ bao, nguy cơ vỡ, tràn nước rác ra môi trường. Thời gian mở cửa tiếp nhận rác trở lại sẽ do Sở Xây dựng Hà Nội quyết định.
URENCO đã thống nhất với Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) phương án phân luồng rác tạm thời. Hơn 4.600 tấn rác phát sinh mỗi ngày ở Hà Nội sẽ được đưa về bãi Xuân Sơn, nhà máy đốt rác Thiên Ý, nhà máy đốt rác Thành Công và lưu chứa tại các quận.
Ngay sau khi có thông tin về việc bãi rác Nam Sơn dừng tiếp nhận rác, các hộ dân ở chung cư khu vực Linh Đàm như toà nhà VP5, VP6, các toà nhà khu vực …đã nhận được thông báo tạm thời dừng đổ rác mà tạm thời đóng rác vào bao kín và để trong nhà, chờ đến khi được xử lý.
Thông báo của Công ty CPMTĐT Thanh Trì gửi các đơn vị liên quan
Trao đổi với phóng viên, anh Sơn – một cư dân sinh sống tại toà nhà VP5 cho biết: anh đã nhận được thông báo về việc tạm ngừng đổ rác từ tối ngày hôm qua và đang chưa biết xoay sở ra sao. Vẻ mặt đầy lo lắng anh Sơn nói: Do nhà hiện tại có trẻ con nên lượng rác thải ra hàng ngày tương đối lớn, hơn nữa việc tích rác trong nhà mà chưa biết đến ngày nào mới được xử lý có thể là nguy cơ gây ra mầm bệnh cho trẻ nhỏ, đặc biệt đang trong giai đoạn chuyển mùa như hiện nay.
Trước đó đầu tháng 10, khu xử lý rác Xuân Sơn ở thị xã Sơn Tây, lớn thứ hai Hà Nội, phải dừng nhận rác trong hơn 10 ngày do trạm xử lý nước thải gặp sự cố.
Bãi rác Nam Sơn được xây dựng từ năm 1999, rộng 157 ha, mỗi ngày chôn lấp 5.000 tấn rác sinh hoạt. Sau hơn 20 năm hoạt động, các ô chôn lấp đã quá tải. Những năm gần đây, Nam Sơn nhiều lần phải đóng cửa do người dân sinh sống trong khu vực chặn xe vào.
TP Hà Nội đã xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý, ở khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn, công suất 4.000 tấn/ngày. Nhà máy đã hoạt động nhưng chưa chạy hết công suất.
Hơn 6.500 tấn rác sinh hoạt phát sinh mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp tại hai bãi Nam Sơn và bãi Xuân Sơn (khoảng 1.200 tấn), còn lại xử lý lại một số lò đốt rác nhỏ.
Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn. Nhưng hiện thành phố mới có 2 khu Sóc Sơn và Xuân Sơn hoạt động.