Bãi nổi giữa sông Hồng thành công viên: Lợi... vẫn phải tính an toàn thoát lũ?!

Đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng” được UBND TP Hà Nội giao UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu các bước tiếp theo, nhận được kỳ vọng thay đổi diện mạo Thủ đô. 

Trao đổi với Khoa học và Đời sống, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho rằng, khi triển khai dự án phải tính toán đến an toàn hành lang thoát lũ.

Kỳ vọng thay đổi diện mạo Hà Nội

Đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng” được kỳ vọng là lợi thế thay đổi diện mạo Hà Nội?

Việc phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng là cần thiết, sẽ mang lại lợi thế thay đổi diện mạo Thủ đô. Hà Nội đã có phê duyệt một số quy hoạch phân khu ở đô thị ven sông Hồng. Quy hoạch phân khu có cả hai bên sông Hồng và cả bãi giữa, bãi nổi. Đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội dài 40 km nhưng chúng ta tập trung làm bãi giữa sông Hồng.

Trong suốt thời gian qua, bãi giữa sông Hồng rộng cả trăm ha bị bỏ hoang, trong khi hàng triệu người dân Hà Nội thiếu chỗ vui chơi, giải trí. Bãi giữa sông Hồng là cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, kéo dài qua nhiều quận nội đô. Nơi đây là không gian được đánh giá tiềm năng để khai thác, triển khai thành không gian công cộng và phải trở thành công viên văn hóa, giải trí, nghỉ ngơi đặc biệt.

Do đó, việc lập đề án hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn mang lại nhiều lợi ích.

Là chuyên gia quy hoạch, phát triển đô thị, theo ông, để công viên đa năng thực sự là điểm đến, khi triển khai cần chú ý những gì?

Như tôi nói ở trên, tiềm năng bãi giữa sông Hồng rất rõ. Tuy nhiên, khi triển khai dự án, để khai thác hiệu quả quỹ đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành khu công viên đa năng cần có nhiều tính toán.

Công viên này phải có quan hệ với hai bờ sông Hồng, cũng như gắn với cầu Long Biên và hệ thống các công trình khác. Đương nhiên phải có hệ thống giao thông để kết nối hai bờ với bãi giữa để du khách, người dân có thể ra công viên. Chúng ta có thể dùng cầu Long Biên để đi lại, bởi trong tương lai đây sẽ không còn là cầu đường sắt nữa, mà trở thành cầu đi bộ, mang tính ý nghĩa về mặt kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử.

Với diện tích hàng trăm ha, quy hoạch phải xác định nơi nào làm công viên cây xanh, nơi nào làm công trình văn hóa. Công viên chủ yếu hướng đến phục vụ vui chơi giải trí cho người dân nên có thể quy hoạch có nhiều chức năng.

Cụ thể, việc quy hoạch trồng cây, hồ nước, đường đi bộ, đường đi xe đạp, những công trình phục vụ lớn cho người dân như trung tâm chiếu phim nhỏ, biểu diễn nghệ thuật, sân bóng thể thao, bãi tắm trên bãi cát sông Hồng... Trong đó, chủ yếu vẫn là cây xanh, mặt nước.

Với diện tích mấy trăm ha trải dài 4 quận có thể tạo ra không gian vui chơi, giải trí, nơi sinh hoạt cộng đồng gắn với không gian mặt nước, không gian nghệ thuật cộng đồng, không gian sáng tạo với trọng tâm nhấn mạnh nội dung giá trị lịch sử văn hóa sông Hồng.

Để làm tốt việc này, Hà Nội sẽ tổ chức cuộc thi thiết kế chọn những ý tưởng tốt nhất, phù hợp và phải mang văn hóa của thủ đô ngàn năm văn hiến. Các công trình kiến trúc cần có mật độ vừa phải, không được làm nhiều mà chỉ một vài công trình cho người dân du khách trú mưa, nắng, ăn uống giải khát, vui chơi...

KTS.Trần Ngọc Chính.

KTS.Trần Ngọc Chính.

Khi phát triển bãi nổi, giữa, ven sông Hồng, dư luận quan tâm phải tính đến an toàn trong hành lang thoát lũ, vệ sinh môi trường, các chuyên gia ý kiến về việc này thế nào?

Tôi cho rằng, khi triển khai dự án phải tính toán đến an toàn hành lang thoát lũ. Bởi theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, dự án nằm trong hành lang thoát lũ, cần cân nhắc trong quá trình thực hiện, tính toán cụ thể khi lũ về trong một lưu lượng nào đó có ngập không, ngập đến đâu.

Quy hoạch về đê điều, phòng chống lũ của Chính phủ đã tính toán rất cụ thể, khi lũ về trong một lưu lượng nào đó có ngập không, ngập đến đâu. Hiện nay trên sông Hồng, hệ thống thủy điện đã cắt lũ, trị thủy nhưng không có nghĩa lũ không về. Công viên văn hóa vui chơi thể thao đương nhiên phải có công trình che nắng, mưa.

Tuy nhiên, các công trình kiến trúc này phải đảm bảo được khi có sự cố như lũ lên thì không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, còn phải chú ý đến vấn đề vệ sinh môi trường, đảm bảo cảnh quan khu vực. Nơi đây phải trở thành lá phổi xanh để người dân Hà Nội nghỉ ngơi, giải trí, tham quan du lịch.

Cần giám sát, đừng để “đầu voi đuôi chuột”

Một số ý kiến cho rằng, khi đã triển khai công viên đa năng thì phải làm hoành tráng, đừng để "đầu voi đuôi chuột", lợi dụng rút ruột, tham nhũng?

Ý kiến này đúng, không chỉ “đầu voi, đuôi chuột” cũng không hẳn phải xây dựng công viên thật hoành tráng mà vấn đề cái nội dung, tính chất, kiến trúc phải phù hợp yêu cầu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí của người dân, cũng như là điểm đến du lịch của du khách quốc tế.

Bởi vậy, công viên phải là nơi thu hút rất đặc biệt, có thể có những nơi bố trí không gian mang đặc trưng bản sắc Thủ đô. Ngoài ra, phải chú trọng diện tích lớn cho cây xanh, mặt nước, các công trình vui chơi giải trí...

Từ các vụ rút ruột dự án, công trình để vừa đi vào hoạt động đã hư hỏng, thậm chí đổ sập khiến dư luận xôn xao, chế tài nào kiểm soát việc phát triển dự án này...?

Chúng ta đã thấy thực tế một số công viên ở ngay Hà Nội được đầu tư rất lớn như công viên Hòa Bình nhưng không phát huy hiệu quả, công viên Thống Nhất cả nửa thế kỷ qua đến nay hoạt động kém, không tấp nập.

Do đó, cùng việc có chế tài kiểm soát khi thực hiện, phát triển dự án cần có quy hoạch tốt, phải đảm bảo thực sự là nơi vui chơi, giải trí như có lễ hội, văn hóa nghệ thuật lớn, có biểu diễn văn hóa đặc sắc cho du khách nước ngoài. Nếu làm như một số công viên ở các quận hiện nay, tôi thấy không ổn, mà phải có quy mô tầm quốc gia.

Một Hà Nội phát triển bãi giữa, ven sông Hồng có nên học hỏi các nước từng phát triển bãi sông như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore...?

Đương nhiên khi thực hiện dự án phải tham khảo, học hỏi các nước đã từng phát triển bãi sông như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, thậm chí cả châu Âu. Tuy nhiên, học tập, tham khảo, chắt lọc chứ không nên đưa nguyên vào. Chúng ta phải làm công viên đa năng, nhưng vẫn phải mang đậm bản sắc, văn hóa bản địa.

Xin cảm ơn KTS Trần Ngọc Chính về cuộc trò chuyện trên!

Công viên đa năng bãi giữa sông Hồng có gì?

Ngày 25/3/2022, UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu sông Hồng tỷ lệ 1/5.000. Đây là cơ sở quan trọng để nghiên cứu triển khai các quy hoạch khu vực ngoài bãi sông Hồng. Khu vực này phải tuân thủ 2 quy hoạch quan trọng: Quy hoạch về đê điều, phòng chống lũ; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1259.

Với khu vực bãi giữa sông Hồng, quận Hoàn Kiếm dự tính tổ chức khu chức năng không gian cảnh quan nông nghiệp du lịch, có thể vẫn cho các hộ dân trồng cây ngắn ngày, song quy hoạch chuyển đổi cây ngắn ngày phù hợp.

Khu vực này cũng sẽ tổ chức khu chức năng không gian sáng tạo, sân chơi, thảm cỏ xen kẽ cây lâu năm hiện có; khu chức năng không gian vui chơi, tập thể thao (như sân trượt cỏ) cơ bản theo địa hình tự nhiên; khu chức năng câu cá, bơi lặn, tham quan mặt nước sông Hồng…

Khu vực bãi bồi ven sông sẽ tổ chức những khu chức năng không gian công viên cây xanh (cơ bản giữ lại các cây lớn hiện có), khu chức năng trồng cây ngắn ngày, cây cảnh, cây hoa theo mùa, kết hợp phục vụ khách du lịch.

Theo Đời sống
back to top