Bài khoa học 22: Lau nhà diệt khuẩn đúng cách

(khoahocdoisong.vn) - Để phòng tránh lây nhiễm Covid- 19, việc vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, lau nhà bằng các chế phẩm diệt khuẩn là cần thiết, nhưng thực hiện như thế nào mới đúng?

Đừng dùng nước nóng để diệt khuẩn

Theo tìm hiểu thì được biết nước nóng có thể khiến vi khuẩn bị tiêu diệt, chị Trần Thị Thu Hà (Cầu Giấy – Hà Nội) bèn nghĩ ra cách dùng nước nóng để lau nhà. Theo đó, chị đun nước sôi rồi đổ vào chậu, nhúng cây lau nhà vào và lau khắp các tầng. Với cầu thang, cửa, bàn ghế, chị cũng dùng nước nóng để lau bằng cách sử dụng đôi găng tay thật dày rồi nhúng giẻ lau vào chậu nước nóng để lau. Chị phổ biến kinh nghiệm “sáng tạo” của mình cho nhiều bạn bè để áp dụng, vừa tránh sử dụng hóa chất, vừa làm sạch nhà.

Theo TS Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa, Điện hóa và Đèn tiết kiệm năng lượng, đúng là nhiệt độ cao như nước sôi đến 100 độ C thì chắc chắn virus sẽ bị tiêu diệt hết, nhưng sử dụng nước nóng trong trường hợp  này lại không hợp lý. Trước hết là nguy cơ bị bỏng khi tiếp xúc trực tiếp với nước nóng như vậy sẽ rất cao. Thứ nữa là nước nóng có thể làm hỏng đồ bằng gỗ như bàn ghế, cửa, tủ… nó có thể khiến chúng bị biến dạng, mất hết độ bóng. Với sàn gỗ thì bạn chỉ cần làm vài lần như thế sẽ nhìn thấy ngay các khoảng nứt loang lổ trên mặt sàn. Đây lại là điều kiện, nơi trú ẩn lý tưởng của vi khuẩn, virus. Do đó, không nên áp dụng mẹo này. Nếu có nhu cầu lau sạch nhà diệt khuẩn mà không có các dung dịch đặc dụng, hãy sử dụng nước mát hoặc nước ấm pha nước lau sàn và vắt khô trước khi lau.

Ngoài ra, có một thói quen sai lầm mà nhiều người hay mắc phải, theo TS Nguyễn Văn Khải là sử dụng nước bẩn để lau sàn. Nhiều khi xô nước lau sàn đã chuyển màu nâu xám, thậm chí đen kịt, vẫn được nhúng chổi vào để lau. Khi đó, dù có đổ cả can nước lau sàn diệt khuẩn vào cũng không có tác dụng. Để khắc phục, nên sử dụng 2 xô khác nhau, xô thứ nhất dùng để xả, xô thứ hai dùng để lau. Đảm bảo rằng xô thứ 2 luôn trong trạng thái sạch trong.  Nước lau sàn chỉ nên hòa tan vào nước sạch.

Càng nhiều càng… bẩn

Để đối phó với dịch Covid -19, nhiều người cho rằng khi lau sàn nhà, cần tăng gấp đôi hoặc gấp ba lượng dung dịch lau sàn để tăng khả năng tẩy rửa cũng như tiêu diệt virus, vi khuẩn. Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội, điều này là sai lầm. Chỉ cần dư lượng nước lau sàn hay pha nhiều nước lau sàn cũng có thể làm sàn nhà của bạn trơn trượt và dễ để lại vết bẩn. Nếu bạn thấy một lượng lớn xà phòng hay nước lau sàn đọng lại dưới đáy xô, thì bạn đã sử dụng chất tẩy rửa quá nhiều và nên lau lại 1 lần nữa bằng nước sạch. Bởi dư lượng dung dịch lau sàn quá nhiều lưu lại trên sàn không tốt cho sức khỏe.

Nhiều người ngại lau nhà, thậm chí cả tháng mới lau 1 lần. Mỗi lần lau sử dụng thật nhiều nước lau sàn. Đây chính là điều kiện lý tưởng để virus trú ngụ, phát triển. Bởi càng để lâu lớp bụi bám trên sàn càng có nhiều cơ hội tạo ẩm mốc dù rằng bạn đã quét dọn hàng ngày. Nước lau sàn không thể đảm bảo diệt khuẩn trong nhiều ngày. Trong thời điểm dịch bệnh, nên cố gắng lau sàn hàng ngày nếu có thể hoặc ít nhất là lau cách ngày.

Việc sử dụng các chất sát khuẩn để vệ sinh nhà cửa là cần thiết. Các chất sát khuẩn cần sử dụng theo danh mục chế phẩm diệt khuẩn kèm theo Công văn số 153/MT-SKHC ngày 5/2/2020 của Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế). Với các đơn vị khác như trường học, cơ quan đơn vị, chung cư, khu vực công cộng (siêu thị, rạp hát, công viên, bến tàu, xe…) phải bố trí chỗ rửa tay bằng nước sạch với xà phòng hoặc cung cấp các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn). Thực hiện việc lau chùi, vệ sinh, khử khuẩn bề mặt như nền nhà, bàn, ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm cầu thang, điện thoại dùng chung, bàn phím máy tính…

Nhữngviệc làm này cần duy trì hằng ngày hoặc khi bẩn. Các loại hóa chất có thể sử dụng là xà phòng, các chất tẩy rửa thông thường (Vim, Javen, Microshield, Cidex, Cidezyme, nước lau nhà diệt khuẩn sả chanh…, pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất ).

Hà Bình

Theo Đời sống
back to top