Nhiều loại trái cây hay củ để chế biến mứt còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất, thậm chí còn có tác dụng chữa bệnh như mứt gừng chữa ho, mứt cà chua đẹp da, mứt sen an thần….
Tuy nhiên, để chế biến được thành mứt thì các loại củ hay trái cây tươi đều phải xay nhuyễn hoặc thái mỏng, sau đó sên cùng rất nhiều đường.
Việc chế biến mứt ở nhiệt độ cao trong thời gian lâu như vậy có thể làm biến chất một số thành phần dinh dưỡng như vitamin A, C có trong các loại trái cây và rau củ làm giảm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.
Bên cạnh đó, việc sên cùng đường khiến mứt thường rất ngọt và nếu ăn nhiều thì có thể gây hại cho sức khỏe như bệnh lý béo phì, đái đường, tim mạch...
Khi ăn nhiều đường cùng một lúc, hơn nữa là loại đường hấp thu nhanh, sẽ làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng, khiến tụy tiết ra nhiều insulin hơn để đưa lượng đường máu về bình thường.
Insulin vốn là hormone có tác dụng tăng tổng hợp và dự trữ chất béo nên khi càng ăn nhiều đường, cơ thể càng tiết insulin, lượng chất béo càng dư thừa và gây béo phì. Theo thời gian, khi tuyến tụy không thể đáp ứng nhu cầu tiết insulin này, lượng đường dư thừa trong máu sẽ tăng lên không kiểm soát, dẫn đến rối loạn dung nạp đường huyết và đái tháo đường.
Đường bổ sung cũng là nguyên nhân gây viêm mạn tính trong cơ thể. Những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp,… Khi ăn quá nhiều đường còn có thể phá hủy collagen và đẩy nhanh quá trình lão hóa da sớm và da chảy xệ.
Cuối cùng thì việc chế biến mứt ở một số xưởng thủ công hiện nay vẫn còn nhiều báo động về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm như thực phẩm bị nhiễm khuẩn, sử dụng phụ gia hoặc chất độc hại với sức khỏe. Khi ăn phải các loại thực phẩm này, người tiêu dùng có thể bị đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc….
Do đó mứt ngày Tết nên được dùng có kiểm soát với lượng vừa đủ và chọn những thương hiệu an toàn, uy tín để đảm bảo sức khỏe.
𝐓𝐡𝐬.BS Trần Đức Cảnh (Bệnh viện K Trung ương)