Biểu hiện của đau lưng âm ỉ kéo dài
Đau thắt lưng có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, có thể gây đau âm ỉ hoặc dữ dội. Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, đau nhức cơ thể, ảnh hưởng tới sinh hoạt và lao động.
Phân theo mức độ, đau lưng dưới 6 tuần là đau cấp tính, đau 6 - 12 tuần là nửa mạn tính, đau lưng âm ỉ liên tục trên 3 tháng là đau mạn tính. Ở giai đoạn này, việc điều trị trở nên khó khăn hơn, chúng ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe hơn.
Đau thắt lưng thường xảy ra ở vị trí 1/3 dưới lưng - nằm giữa 2 gai mào chậu. Vị trí đau có thể ở chính giữa cột sống thắt lưng hoặc 2 bên cột sống thắt lưng. Tùy mức độ bệnh, cơn đau có mức độ lan tỏa khác nhau.
Đau thắt lưng nếu nhẹ thì gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày khi đứng lên, ngồi xuống, xoay mình, đổi tư thế,... Nếu đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm thì có thể gây đau dây thần kinh tọa, lâu dần dẫn tới teo cơ đùi, cẳng chân, gây rối loạn đại tiểu tiện, thậm chí để lại di chứng liệt.
Bác sĩ chỉ rõ dấu hiệu đau lưng âm ỉ cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng |
Nguyên nhân đau lưng âm ỉ kéo dài
Có nhiều nguyên nhân gây đau lưng âm ỉ kéo dài và cần điều trị sớm để tránh gây biến chứng nặng nề cho bệnh nhân:
Thoát vị đĩa đệm mạn tính: Trường hợp thoát vị đĩa đệm cấp tính không được điều trị dứt điểm dễ chuyển thành mạn tính. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng mạn tính có thể xuất hiện các đợt cấp tính tái phát hoặc do tác động cơ học;
Thoái hóa xương khớp: Do tuổi tác hoặc từng bị chấn thương nghề nghiệp, thể thao, tai nạn;
Bệnh lý ở hệ tiết niệu: Sỏi thận, sỏi niệu quản, u, ung thư, lao thận, viêm thận, thận ứ nước, thận ứ mủ, viêm tuyến tụy,...;
Bệnh lý dạ dày: Viêm loét dạ dày, u dạ dày,... gây đau dạ dày lan xuống vùng thắt lưng, dẫn tới đau mỏi thắt lưng;
Viêm khớp cùng chậu: Khớp cùng chậu bị viêm nhiễm, người bệnh có triệu chứng đau âm ỉ kéo dài ở vùng cột sống thắt lưng cùng, giữa 2 mông và vùng chậu hông, có thể đi kèm teo cơ mông. Trong một số trường hợp, người bệnh viêm khớp cùng chậu có dấu hiệu viêm vùng chậu. Viêm khớp cùng chậu thường xảy ra sau khi mắc các bệnh ở đại tràng như viêm đại trực tràng chảy máu, mang thai hoặc trong viêm đường tiết niệu sinh dục;
Nguyên nhân khác: Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, mắc bệnh lạc nội mạc tử cung, hội chứng ruột kích thích, đặc tính công việc phải ngồi một chỗ, mang thai, có những thói quen sinh hoạt không lành mạnh,...
Biện pháp kiểm soát tình trạng đau lưng âm ỉ kéo dài
Nguyên tắc của việc điều trị là giảm đau và điều trị nguyên nhân gây đau lưng kéo dài. Một số việc cần làm gồm:
- Massage: Giúp giảm đau mỏi, giãn cơ để người bệnh thoải mái hơn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể thử các liệu pháp khác như xoa bóp, bấm huyệt thư giãn các cơ vùng thắt lưng;
- Dùng thuốc: Sử dụng thuốc giãn cơ, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa khớp;
- Tập thể dục: Lựa chọn các bài tập rèn luyện nhẹ nhàng và phù hợp với tình trạng sức khỏe sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai hơn;
- Không mang vác, bưng bê vật nặng, đặc biệt là làm sai tư thế;
- Không ngồi lâu một chỗ mà không đổi tư thế, nên giải lao vài giờ một lần để đi lại, xoay người;
- Khi có bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm cấp tính, bệnh dạ dày, gan, mật, thận,... cần đi thăm khám, điều trị tích cực theo chỉ định của bác sĩ.
Nhìn chung, với tình trạng đau lưng âm ỉ kéo dài làm giảm chất lượng cuộc sống thậm chí rối loạn đại tiểu tiện, người bệnh không nên chủ quan mà nên đi khám bác sĩ chuyên khoa nội cơ xương khớp để sớm phát hiện, điều trị bệnh.
Đồng thời, không quên rèn luyện thể dục thể thao để cải thiện sức khỏe, ngăn ngừa nguy cơ thoái hóa xương khớp, đau mỏi thắt lưng.
ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên trường Đại học Y Dược, Đại học quốc gia Hà Nội)