Bắc Giang: Rừng tự nhiên do Công ty Trường Lộc quản lý… bị tàn phá?

Khu vực rừng tự nhiên trên địa bàn xã Canh Nậu (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) do Công ty Trường Lộc quản lý, liên tục bị tàn phá khiến người dân bức xúc.

Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Trường Lộc (gọi tắt Công ty Trường Lộc) được UBND tỉnh Bắc Giang cho thuê 1.394,9 ha đất trên địa bàn huyện Yên Thế từ năm 2011. Trong đó, đất có rừng là 769,29 ha và đất chưa có rừng 625,61 ha.

Phản ánh đến Khoa học Đời sống, người dân ở xã Canh Nậu (huyện Yên Thế) cho biết, thời gian qua, nhiều diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn xã, do Công ty Trường Lộc quản lý, liên tục bị đốt, phá nghiêm trọng.

Bắc Giang: Rừng tự nhiên do Công ty Trường Lộc quản lý… bị tàn phá? ảnh 1

Bắc Giang: Rừng tự nhiên do Công ty Trường Lộc quản lý… bị tàn phá?

Hạ sát rừng tự nhiên

Theo điều tra của PV, thời gian đầu quản lý rừng tự nhiên (từ năm 2011) thuộc bản Chay (xã Canh Nậu, huyện Yên Thế), Công ty Trường Lộc cùng các cơ quan chức năng thu hồi đất rừng, lập chốt bảo vệ, cắm biển, cấm người dân xâm phạm khu vực rừng được giao. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến đầu 2023, nhiều diện tích rừng tự nhiên do công ty này quản lý bị “tàn sát”. Cả loạt cây gỗ hàng chục năm tuổi bị đốn hạ.

Tại khu vực rừng bị phản ánh, nhiều khoảng lớn màu nâu sậm nằm xen lẫn mảng xanh của đồi núi. Không ít cây gỗ có đường kính trên dưới 20 cm, hàng chục năm tuổi, bị triệt hạ, chỉ còn trơ gốc. Một số khúc gỗ bị bỏ lại vùi lấp trong lớp dây leo, lá khô, cây, cỏ dại. Nhiều cây gỗ nhỏ cũng bị cưa hạ, đốt cháy, ngổn ngang trên sườn núi.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nông Quảng Vòong (người dân xã Canh Nậu) cho hay: "Chúng tôi thấy Công ty Trường Lộc cho người mở đường lên rừng Chỏm Vung phát rừng nguyên sinh, chặt gỗ, sau đó họ trồng cây keo, bạch đàn. Năm 2014, khi phát hiện sự việc, người dân làm đơn gửi UBND huyện Yên Thế, đề nghị can thiệp nhưng không được xử lý”.

Theo ông Vòong, người dân đã bắt được tại trận việc khai thác gỗ tự nhiên và báo cơ quan chức năng. Đồng thời, họ tổ chức chốt chặn 2 ngày một đêm, không cho tẩu tán gỗ ra khỏi rừng, chờ cơ quan chức năng đến hiện trường.

Trước thực tế diễn ra, người dân địa phương mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng tìm ra thủ phạm phá rừng, nếu có vi phạm thì xử lý đúng người, đúng tội; đồng thời làm rõ trách nhiệm của lực lượng kiểm tra, bảo vệ rừng trên địa bàn Yên Thế và của Công ty Trường Lộc.

Liên quan sự việc, ông Nguyễn Bá Kiên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) - cho hay, đầu năm 2023, Công ty Trường Lộc ký hợp đồng với một cá nhân, cho phát dọn để trồng rừng trong khu vực công ty quản lý. Người này đã phát dọn vào 0,89 ha rừng tự nhiên và bị xử phạt 20 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Bá Kiên, sau đó, khu vực rừng do Công ty Trường Lộc quản lý tiếp tục xảy ra 2 vụ phá rừng tự nhiên, có dấu hiệu vi phạm hình sự. Hạt Kiểm lâm đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an huyện để điều tra.

“Cả lãnh đạo công ty và người dân được cơ quan Công an mời lên làm việc. Người dân bảo công ty phá, công ty bảo dân phá… Sự việc đang được Công an điều tra”, ông Kiên nói.

Lãnh đạo Công ty Trường Lộc nói gì?

Ngày 22/5, PV Khoa học Đời sống làm việc với ông Ngô Xuân Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Trường Lộc.

Ông Ngô Xuân Trường thừa nhận, đầu năm 2023, trong khu vực rừng tự nhiên ở xã Canh Nậu do công ty quản lý, xảy ra 3 vụ phá rừng. Trong đó, một vụ bị Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế xử phạt hành chính 20 triệu đồng. Đối với hai vụ còn lại, ông Trường khẳng định Công ty Trường Lộc không phá rừng, cũng không cắt cây gỗ tự nhiên.

Ông Trường thừa nhận, Công ty có sai sót trong quá trình quản lý khi để xảy ra việc rừng tự nhiên bị phá hoại và đã nghiêm túc kiểm điểm đội ngũ lãnh đạo, cán bộ.

Khoa học và Đời sống tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc.

Quyết định cho Công ty Trường Lộc thuê rừng gắn với thuê đất lâm nghiệp của UBND tỉnh Bắc Giang

Theo Quyết định số 254/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang ký ngày 13/7/2011, về việc thu hồi đất lâm nghiệp và rừng gắn liền với đất, cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Trường Lộc thuê rừng gắn với thuê đất lâm nghiệp tại các xã Đồng Tiến, Canh Nậu, Xuân Lương, huyện Yên Thế.

UBND tỉnh Bắc Giang thu hồi 1.394,90 ha đất lâm nghiệp và rừng gắn liền với đất do UBND các xã Đồng Tiến, Canh Nậu, Xuân Lương đang quản lý, cụ thể như sau: Xã Đồng Tiến 583,28 ha; xã Canh Nậu 615,34 ha; xã Xuân Lương 196,28 ha…; giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Trường Lộc thuê quyền sử dụng đất và rừng gắn liền với đất. Thời hạn cho thuê đất và thuê rừng đến ngày 17/6/2061. Mục đích sử dụng thực hiện dự án đầu tư phát triển rừng bền vững (đất lâm nghiệp) thuê rừng, đo đạc bản đồ theo quy định của pháp luật.

Theo Quyết định số 254/QĐ-UBND, Công ty Trường Lộc có trách nhiệm ký hợp đồng thuê đất, thuê rừng; thực hiện nghĩa vụ tài chính về thuê đất; thực hiện nghĩa vụ tài chính về thuế đất, thuê rừng, đo đạc bản đồ theo quy định của pháp luật. Phối hợp UBND huyện Yên Thế và các cơ quan liên quan lập hồ sơ bồi thường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện. Sử dụng đất đúng mục đích, chấp hành quy định của pháp luật về đất đai, bảo vệ và - phát triển rừng, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Thực hiện đúng dự án đầu tư phát triển rừng bền vững đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 20121000371 ngày 17/6/2011.

Quy định của pháp luật về chế độ sử dụng đất rừng

Đất rừng sản xuất (bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng).

Đối với rừng tự nhiên: Theo quy định tại Khoản 33, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP, Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho tổ chức quản lý rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sinh sống trong khu vực rừng sản xuất là rừng tự nhiên nơi chưa có tổ chức quản lý rừng mà có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng thì được Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên không thu tiền sử dụng đất để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp khai thác các lợi ích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Đối với rừng trồng: Khoản 2, Điều 135, Luật Đất đai 2013, nêu rõ: Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định sau đây:

Giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo hạn mức quy định là không quá 30 ha để sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Đối với diện tích đất rừng sản xuất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng vượt hạn mức thì phải chuyển sang thuê đất; cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng; tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất trong những trường hợp trên thì được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm.

Ngoài ra, quy định của pháp luật về chế độ sử dụng đất rừng, trong đó có sử dụng đất rừng phòng hộ; sử dụng đất rừng đặc dụng, được thể hiện tại Điều 137 và 138 Luật Đất đai 2013.

Theo Đời sống
Cấp đổi lại giấy phép lái xe từ 1/1/2025

Cấp đổi lại giấy phép lái xe từ 1/1/2025

Giấy phép lái xe trước năm 2025 vẫn được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên đó mà không phải thi lại. Giấy phép lái xe được cấp trước ngày 1/1/2025 tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên Giấy phép lái xe.
Đối tượng sắp được tăng lương hưu

Đối tượng sắp được tăng lương hưu

Từ ngày 1/7/2025 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực quy định lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
back to top