Ba cuốn sách của "ông già tai biến"

(khoahocdoisong.vn) - Không cam chịu nằm yên với 3 lần tai biến, hai lần đặt stent... ông đi khắp nơi tìm hiểu, nghiên cứu và cho ra đời 3 cuốn sách đồ sộ.

Bị tai biến khiến nhà giáo Nguyễn Văn Chung (16 Hội Vũ, Hà Nội) 86 tuổi, nguyên cán bộ Vụ Đại học (Bộ Giáo dục & Đào tạo) phải nghỉ việc. Không cam chịu nằm yên với 3 lần tai biến, hai lần đặt stent... ông cùng cái bút, cây gậy đi khắp nơi tìm hiểu, nghiên cứu về phong thủy, kinh tuyến địa lý và cho ra đời 3 cuốn sách đồ sộ. Ông đã phát hiện rất nhiều chỗ sai về lịch, về phong thủy và đưa ra những hóa giải độc đáo.

86 tuổi mới “sinh hai quý tử”

Tôi biết ông đã hơn chục năm. Hình ảnh ông cụ tóc bạc trắng, tai điếc, thẻ xe buýt, cây gậy ba toong, cái kính mắt và túi đựng sách bút đã trở nên quen thuộc trên nhiều tuyến phố. Tật nguyền, tuổi cao lại mang trong mình rất nhiều trọng bệnh, vậy mà ông vẫn không quản ngại ngược xuôi đồng bằng, miền núi, đến các nơi “linh khí” và hơn 300 ngôi nhà khắp mọi miền đất nước để nghiên cứu về khoa học huyền bí.

Ở tuổi 86, ông vẫn hồn nhiên trêu đùa với các bạn học cùng lớp Khóa I trường Đại học Tổng hợp Hà Nội rằng: “Tớ vừa song sinh ra 2 quý tử là 2 cuốn sách đồ sộ hơn 3.000 trang: “Lịch Việt Nam & Cổ Học Phương Đông (1901 - 2103)” và “Cửu Tinh Phong Thủy”.

Mỗi lần đến tham vấn ông, dù rất khó khăn trong giao tiếp, mỗi ý muốn biểu đạt tôi đều phải ghi ra giấy để “bút đàm”. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy nhàm chán mà luôn bị thời gian cuốn đi bởi những kiến thức uyên thâm và mới mẻ được ông chia sẻ một cách mạch lạc và dễ hiểu.

Nghiên cứu khoa học huyền bí vì... tai biến

Ông cười bảo, các cụ nói không sai: Trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi tất cả của ai. Từ khi bị tai biến, vượt qua sinh tử trở thành người điếc, ông không thể tiếp tục nghiên cứu khoa học truyền thống, thì trở về nghiên cứu khoa học huyền bí.

Ông Nguyễn Văn Chung sinh năm 1932, quê gốc làng đúc đồng Đại Bái (Gia Bình, Bắc Ninh). Ông tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành sinh học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa đầu tiên. Ông được Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu kéo về làm trợ lý ở lĩnh vực di truyền học. Đầu thập niên 90, đại dịch HIV/AIDS bắt đầu vào nước ta, ông trở thành người đầu tiên biên soạn giáo trình về phòng chống nạn dịch này.

Nhưng tai họa bất ngờ ập đến làm thay đổi đời ông. Năm 1994, ông bị tai biến mạch máu não rất nặng. Sau 9 tháng điều trị tích cực tại TPHCM, cố GS Đặng Văn Chung - người bạn vong niên, bậc thầy của ông trong ngành y - đã khuyên ông quay về Hà Nội trong tình trạng tai điếc và liệt nửa người.

Về nhà, như ngọn đèn treo trước gió, ông nằm nghĩ về thời đã qua. Chẳng lẽ hơn 40 năm làm việc cật lực với 16 giờ mỗi ngày lại chẳng để lại gì trước khi về với đất? Thế là ông quyết tâm không để bệnh tật đánh gục, tích cực rèn luyện khí công, dịch cân kinh... phục hồi sức khoẻ và bắt tay vào việc tìm lời giải cho những thắc mắc của nhiều người về lịch học, phong thủy.

Di truyền hiện đại và “quẻ bói” có liên quan

Ông bắt tay vào nghiên cứu Cổ học phương Đông một cách hệ thống – lĩnh vực mà ông được gia đình truyền thụ từ bé. Ông tự mày mò vi tính, học các chương trình Excel, Word, Corel, Photoshop... để có thể tự chế bản sách...

Ông đọc sách, làm việc liên tục 16 tiếng/ngày về các bộ môn di truyền học, thiên văn lịch pháp và cổ học phương Đông. Kiến thức đã giúp ông nhận ra nhiều điều mới mẻ và cả những điều bất cập trong sách lịch, sách phong thủy, sách bói toán đang bán tràn lan. Ông đã chứng minh lịch Thế kỷ XX sai một ngày âm lịch. Tiếc rằng ngày đó đã qua đi, chưa kịp đính chính và trở thành “tính lịch sử trong lịch pháp”.

Ông cũng tìm ra những điểm chưa khớp giữa cổ học phương Đông với thời gian hiện đại (Sách lịch ở ta vẫn sử dụng lịch Trung Quốc theo múi giờ VIII...). Ông nghiên cứu viết và cho xuất bản cuốn "Lịch Vạn Niên Việt Nam 1901 - 2103" dành cho người Việt.

Kết hợp di truyền hiện đại với cổ học phương Đông, ông nhận thấy di truyền có 64 mã gốc, Kinh Dịch có 64 quẻ bói. Nhiều hiện tượng liên quan đến hai khái niệm đó đã đặt ra câu hỏi: Phải chăng 64 mã gốc của di truyền và 64 quẻ bói của kinh dịch có mối liên hệ?

Ảnh đi thực tế dùng la bàn đo tọa độ và hướng ngôi nhà người dân tộc miền núi.

Ảnh đi thực tế dùng la bàn đo tọa độ và hướng ngôi nhà người dân tộc miền núi.

Đua với thời gian và sức khoẻ, biến điều “khó hiểu” thành “dễ hiểu”

Vì làm việc quá sức năm 2004, ông Chung lại bị nhồi máu cơ tim, phải đặt stent (giá đỡ) vào động mạch vành. 3 lần tai biến, quả tim già nua tắc 3 đoạn động mạch vành, “vợ và ba con gái tôi không đồng ý cho tôi làm việc nhưng tôi lại nghĩ khác, không làm việc, tôi sẽ bị stress và sẽ bị “trầm uất” vì những phát hiện mới đang “ấm ức” trong đầu không được viết ra. Sống như thế thì phát điên lên mất”... ông Chung tâm sự.

Để có số liệu đo đạc, tính toán trong 20 năm ông đã đi đến hàng trăm địa điểm khác nhau trên đất nước ta, quãng đường đi đó tổng cộng đã lên tới hàng vài ngàn cây số. Mỗi cuộc đi xa, trong túi ông luôn có sẵn tờ báo cũ để mệt thì trải xuống ngồi nghỉ, thậm chí có lúc huyết áp tăng, ông phải vội uống thuốc và nằm tại chỗ cho dễ thở, cho nhịp tim đập đều hơn... Nhiều lần ông ra khỏi nhà còn giấu cả vợ con để họ không phải lo lắng cho sức khoẻ, cản trở việc ông hoàn thành bộ sách. Sau mỗi chuyến đi, trở về tập hợp được các dữ liệu thực tế, ông lại cặm cụi ngồi trước máy vi tính, dùng phần mềm JPL của NASA (Mỹ) để tính toán, chỉnh lý số liệu, dàn trang bản thảo...

Chính tư liệu từ những chuyến đi và những nghiên cứu mới của NASA đã giúp ông phát hiện ra “quy luật tam hợp” trong việc xuất hiện 28 vì sao (nhị thập bát tú) theo các trục thời gian năm, tháng, ngày. Hơn nữa, bằng việc nắm vững các nguyên lý cơ bản của phong thủy và liên kết được các nguyên lý đó với nhau trong việc nghiên cứu một ngôi nhà (dương trạch) một phần mộ (âm trạch) thì việc “khó hiểu” và “bí hiểm” của phong thủy sẽ không còn nữa. Vậy là ông không chỉ cho ra đời một cuốn “cẩm nang lịch” mới dùng cho mọi người, dung lượng sẽ lớn gấp nhiều lần cuốn lịch theo cách tính cũ. Việc tra cứu sẽ rất tiện lợi, chính xác và dễ dàng. Ông đã chuyển đổi sự “khó hiểu” và “bí hiểm” của phong thủy thành sự “dễ hiểu” để mỗi người có thể từ cuốn “Cửu Tinh Phong Thủy” của ông có thể tự xem phong thủy và hóa giải những điềm xấu trong chính ngôi nhà của mình.

Ông chia sẻ, đang phải chạy đua với quỹ thời gian ngắn ngủi còn lại, còn sống ngày nào còn nghiên cứu và viết tiếp. Hiện còn năm quyển sách nữa đã có phác thảo gồm: Kinh Dịch, Tổng lược hệ thống Cổ học phương Đông, Di truyền học, Phòng chống HIV/AIDS và Tử vi ADN... đang chờ ông hoàn thành để xuất bản.

“Cuốn Lịch Vạn Niên của ông Nguyễn Văn Chung được viết một cách chi tiết, chính xác và dễ sử dụng nhất” - GS.TSKH Hoàng Tuấn, nguyên giám đốc Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an).

“Cuốn Lịch Việt Nam và Cổ học Phương Đông đã xác định được giờ thực địa phương, giúp thầy thuốc châm cứu, bấm huyệt chữa bệnh theo giờ, tránh khỏi những thiếu sót, nâng cao hiệu quả điều trị” - GS.BS Hoàng Bảo Châu, nguyên viện trưởng Viện Y học cổ truyền Việt Nam.

“Những cuốn sách của tác giả Nguyễn Văn Chung có giá trị đặc biệt, tác giả đã chứng minh lịch học Việt Nam và phong thủy là các vấn đề khoa học liên quan đến con người và nhiều lĩnh vực khác” - Viện sĩ, GS.TSKH Đào Vọng Đức, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người.

Theo Đời sống
back to top