Tốt quá cũng không tốt
Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học đăng trên trang food.ndtv.com, tạp chí uy tín của Ấn Độ, việc ăn quá nhiều những thực phẩm bổ dưỡng, lành tính lại không tốt cho sức khỏe. Theo đó, các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, nho khô, quả hồ đào,... được biết đến có nhiều đặc tính sức khỏe do có chứa các chất đạm, chất xơ và chất béo lành mạnh, có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, do hàm lượng chất đạm và chất béo cao của chúng mà bạn không nên ăn quá nhiều. Hơn nữa, nên tránh ăn các loại hạt được đóng gói bởi chúng thường được thêm nhiều muối có thể có hại cho sức khoẻ. Hay trái cây có vị ngon và lành mạnh, nhưng hầu hết các loại trái cây đều có đường như fructose và sẽ được chuyển hóa thành chất béo trong gan. Ăn nhiều chất này, đặc biệt là những loại quả có chỉ số glycemic cao như chuối, dứa, xoài và nho, có thể làm tăng lượng đường trong máu, kích thích insulin và tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2.
Hay đơn giản, nước là thành phần không thể thiếu, chiếm đến 70% cơ thể con người. Tuy nhiên, uống quá nhiều nước có thể làm loãng hàm lượng natri trong cơ thể và ảnh hưởng đến chức năng của tế bào. Nồng độ natri thấp có thể làm cho nước tràn vào trong các tế bào khiến não bị sưng lên. Uống quá nhiều nước sẽ làm tăng gánh nặng lên thận, rất không tốt cho sức khỏe. Dù là nước lọc hay sữa, nước hoa quả, nước lá… thì cũng nên chừng mực, uống theo nhu cầu cơ thể.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm cho biết, nguyên tắc khoa học trong thực phẩm là đa dạng, đầy đủ và vừa phải. Cái gì tốt, bổ dưỡng, ăn nhiều quá cũng không tốt.
Không nên nghĩ vì thực phẩm sạch, an toàn thì ăn thả ga mà không có điểm dừng. Cái gì cũng phải chừng mực mới tốt. Hãy ăn theo khẩu vị, nhu cầu, song cũng phải cân đối số lượng nạp vào cơ thể.
Dinh dưỡng khoa học
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, dinh dưỡng khoa học là sự hài hòa, cân đối giữa các nhóm thực phẩm. Ăn phong phú tốt hơn ăn nhiều, dù đó là thực phẩm tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Không có một loại thực phẩm nào chứa đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, mà mỗi loại lại có một thành phần hỗ trợ bổ sung cho nhau. Trong thành phần thực đơn, nên thay đổi liên tục các món ăn. Nếu có bữa nào đó có nhiều món mình thích thì có thể ăn nhiều hơn bình thường, nhưng không nên duy trì lâu dài. Nên có kế hoạch bố trí các món ăn trong gia đình theo ngày, tuần, tháng… để bổ sung, cân đối các nhóm thực phẩm khác nhau.
Do đó, cách ăn uống quan trọng không kém việc lựa chọn thực phẩm. Thực phẩm dù có bổ dưỡng, an toàn, ngon miệng mà không biết kết hợp hài hòa, ăn đúng cách, chừng mực thì cũng có thể gây hại.