87 ca tử vong do sốt xuất huyết: Dấu hiệu sốc cần cấp cứu

Cả nước đã ghi nhận 211.388 ca mắc sốt xuất huyết, 87 trường hợp tử vong. Người mắc sốt xuất huyết có thể tái nhiễm chủng khác nặng hơn.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 211.388 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 87 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc và tử vong đều tăng.

Tại Hà Nội, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao so với tuần trước. Tính từ đầu năm đến ngày 16/9, Hà Nội ghi nhận 3.023 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 4 ca tử vong.

Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.

Theo báo cáo về tình hình bệnh truyền nhiễm từ ngày 5 đến 11/9 của Sở Y tế TP.HCM, thành phố ghi nhận có 2.579 ca bệnh sốt xuất huyết mới (gồm 1.194 ca nội trú và 1.385 ca ngoại trú), giảm 11,9% ca so với trung bình 4 tuần trước (2.928 ca), số ca nội trú giảm 21,8% và ngoại trú giảm 1,2%.

Thành phố cũng ghi nhận 2 ca mắc sốt xuất huyết tử vong. Như vậy, số ca sốt xuất huyết tử vong từ đầu năm đến tuần 37 tại TP là 21 ca, tăng 17 ca so với cùng kỳ năm 2021 (4 ca).

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng

TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong 10 năm qua, tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn, ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.

Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.

Đặc biệt, sau khi bệnh nhân nhiễm phải một trong các chủng virus sốt xuất huyết thì cơ thể đã có khả năng miễn dịch với chủng đó suốt đời. Tuy nhiên, họ vẫn có thể tái nhiễm sốt xuất huyết do chủng khác gây nên. Điều đáng lo ngại là lần nhiễm sau sẽ nặng hơn lần nhiễm trước đó.

Theo các chuyên gia, phác đồ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, một số triệu chứng sau cần phải đưa người bệnh tới cơ sở y tế gồm:

1. Chảy máu (Các chấm hay đốm màu đỏ trên da; Chảy máu mũi, lợi; Nôn ra máu; Đi ngoài phân đen; Kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo);

2. Nôn liên tục;

3. Đau bụng dữ dội;

4. Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật;

5. Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm;

6. Khó thở

Khi gặp các biểu hiện trên, cần phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế để kiểm tra, kịp thời chẩn đoán và điều trị.

Theo bác sĩ, trong 3-4 ngày đầu, nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những lời khuyên sau:

- Nằm nghỉ ngơi;

- Ăn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa; uống nhiều nước, có thể cho bệnh nhân uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt; duy trì 1500-2500ml nước / ngày.

- Uống thuốc hạ sốt, lưu ý chỉ được hạ sốt bằng paracetamol chứ không được dùng Ibuprofen hoặc Aspirin vì có nguy cơ gây chảy máu đồng thời chườm mát cho người bệnh.

- Theo dõi liên tục, nếu thấy bệnh nhân có diễn biến nghiêm trọng hơn như li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều thì cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế.

- Nếu không có diễn biến bất thường cũng cần đến khám lại theo hẹn của bác sĩ.

Trước diễn biến ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, cách đây 10 ngày, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ, tìm các nguồn cung ứng đối với các thuốc chứa dextran 40 hoặc dextran 70 điều trị sốc sốt xuất huyết.

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top