Hiện nay, khoản 3, Điều 8, Nghị định 100/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7, Điều 1, Nghị định 49/2021/NĐ-CP) quy định: Bộ Xây dựng hướng dẫn quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nhưng theo HoREA rà soát trong các năm qua, nhiều khu đất sạch thuộc Nhà nước quản lý được quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội, nhưng không được đưa vào sử dụng, để hoang hóa rất lãng phí, trong lúc rất thiếu nhà ở xã hội, mà nguyên nhân là chưa xây dựng được cơ chế, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có phương thức đấu thầu.
Do đó, HoREA cho rằng, khoản 7, Điều 1, Nghị định 49/2021/NĐ-CP đã giao cho “Bộ Xây dựng hướng dẫn quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội” cần sớm được triển khai và làm rõ nhằm tạo cơ chế tốt nhất cho việc thực hiện nhà ở xã hội theo chủ chương và mục tiêu của Chính phủ đề ra.
Để thực hiện được điều này, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét các tiêu chí để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, đối với trường hợp đã có quỹ đất sạch thuộc Nhà nước quản lý, được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội.
Cụ thể gồm có 7 tiêu chí: Tiêu chí về vốn đầu tư; lợi nhuận định mức; mức hưởng ưu đãi về thuế, về hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật; dành diện tích đất để xây dựng nhà ở thương mại; giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; tiến độ thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Hiện nay, hầu hết các tiêu chí này đều chưa được thực hiện hoặc thực hiện không đến nơi, đến chốn, có nhiều chính sách, quy định đã được đặt ra, nhưng thực tế lại không thể thực hiện. Ví dụ như các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội và cũng chưa được vay vốn ưu đãi tại các Ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank do Nhà nước chưa bố trí được nguồn tái cấp vốn từ ngân sách nhà nước, hoặc cấp bù lãi suất, nên các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải tự chuẩn bị nguồn vốn đầu tư, hoặc vay ngân hàng với lãi suất thương mại.