Có nhiều con đường dẫn đến thành công, và với Richard Branson – người sáng lập tập đoàn Virgin – con đường đến với danh vọng của ông cũng khá độc đáo mà chắc chắn rằng bạn sẽ không thể tìm thấy chúng ở trường kinh doanh.
Richard Branson đã thành lập hơn 100 công ty kể từ khi khởi nghiệp với công ty băng đĩa Virgin năm 1970. Ông là tỷ phú sở hữu 8 công ty trị giá hàng tỷ đô la ở 8 lĩnh vực khác nhau.
Thành công và sự nhiệt huyết của ông, các doanh nhân có thể học hỏi rất nhiều thứ từ Richard Branson.
Một trong những bài học quan trọng nhất là cách ông đối xử với những người trong “gia đình Virgin”.
Theo Branson, “rất nhiều người nghĩ rằng doanh nhân là người làm mọi thứ một mình, vượt qua mọi thử thách và biến những ý tưởng thành thành tựu một cách cá nhân”, đó là điều không chính xác.
Hầu như không doanh nhân nào có thể đạt được thành tựu mà không có sự giúp đỡ của người khác.
Để thành công trên thương trường, bạn cần kết nối, cộng tác với người khác. Trong quá trình đó, đừng bao giờ mắc phải những sai lầm mà Richard Branson liệt kê dưới đây.
1. Khẳng định: Tôi là ông chủ
Trong cuốn sách Là một thành viên của Virgin: Những bí mật trường kinh doanh không dạy bạn, Branson đã nhấn mạnh rằng, “thể hiện mình là ông chủ” không phải là tính cách một người lãnh đạo nên có.
Branson tin rằng, một ông chủ đơn thuần chỉ là người đưa ra mệnh lệnh, còn lãnh đạo thực sự là người tổ chức, tạo động lực và truyền cảm hứng cho người khác.
2. Quá nghiêm khắc với sự sáng tạo tự do
“Nếu bạn để cho nhân viên tự do sáng tạo, hãy đồng hành với ý tưởng của họ. Nếu ai đó chia sẻ với bạn ý tưởng kinh doanh, tại sao không yêu cầu họ cùng khởi nghiệp?
Trong những năm qua, nhiều ý tưởng của nhân viên đã là nền tảng cho việc thành lập công ty mới. Điều này giúp Virgin bước vào thị trường mới và thường là thành công.
Công ty của bạn hoạt động như một bàn đạp cho các nhân viên có hoài bão chứ không phải một chiếc lồng kìm hãm họ”, ông chủ hãng Virgin chia sẻ.
Sự tự do sáng tạo sẽ đem lại những kết quả không ngờ. Nhưng đó là sau khi bạn hiểu được mục tiêu chung và văn hóa của tổ chức.
Những ý tưởng và quyết định cần dựa trên cơ sở đó. Khi bạn được tự do thực hiện những thứ bạn tin tưởng, bạn sẽ dành mọi tâm huyết để đạt được kết quả tốt nhất.
3. Để các vấn đề diễn biến phức tạp
Đừng bao giờ để các vấn đề với đối tác hay các thành viên trong nhóm đi quá xa. Luôn giải quyết các vấn đề triệt để trước khi nó trở thành mâu thuẫn.
Gửi tin nhắn hay email không phải là cách tốt để xử lý các tình huống. Branson tin rằng, bạn nên dành thời gian để gọi điện thoại hoặc thảo luận trực tiếp để giải quyết các vấn đề.
4. Khiến các thành viên trong team không thoải mái
Branson thường xuyên nhắc lại rằng, đừng quá nghiêm túc, hãy tạo ra một nền văn hóa vui vẻ.
Khi bạn bắt đầu làm việc với đam mê, thực hiện mọi việc một cách vui vẻ, khuyến khích mọi người tạo ra không khí vui vẻ ở nơi làm việc, mọi công việc sẽ được thực hiện suôn sẻ và hiệu quả nhiều.
5. Trốn trách nhiệm
Khi Virgin Atlantic thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 1984, máy bay đã phải hạ cánh khẩn cấp vì động cơ nổ. Vài ngày sau, ngân hàng đã đến nhà của Branson và thông báo ông phải thanh toán khoản nợ ngân hàng.
Ban đầu, Branson đã cố tìm kiếm 1 ai đó để đổ lỗi cho sự thất bại. Nhưng sau đó, ông đã nhận ra rằng, với tư cách là người lãnh đạo, ông phải là người giải quyết vấn đề.
Thay vì trốn tránh, cũng như Branson đã làm, người đứng đầu một nhóm phải chấp nhận trách nhiệm, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của tổ chức.
6. Bỏ lỡ những cuộc tranh luận
Trong gần 50 năm kinh doanh, Richard Branson hiểu rằng, những cuộc tranh luận về chiến lược, định hướng rất quan trọng đối với một doanh nghiệp.
Vì vậy, ông luôn khuyến khích các đồng sự, nhân viên đặt ra vấn đề và tranh luận với ông cho tới khi tìm ra giải pháp phù hợp.
“Bạn buộc phải có những bất đồng với đối tác và các thành viên trong nhóm. Đừng tránh những cuộc thảo luận, dù nó có gay gắt hay mâu thuẫn quyết liệt.
Những cuộc tranh luận là cơ hội để mỗi bên nói lên ý kiến của mình và thách thức lẫn nhau, từ đó tìm ra giải pháp tối ưu.
7. Lãnh đạo là người vô hình trong tổ chức
Bạn có thể thường xuyên gặp Richard Branson ở bên ngoài. Ông đã thiết kế công việc kinh doanh của mình linh hoạt để có thể đi ra ngoài với một chiếc máy tính xách tay mà vẫn đáp ứng được công việc.
Ông luôn lắng nghe ý kiến của nhân viên và các khách hàng. Ông luôn biết cách làm cho họ hài lòng.
Thay vì ngồi cả ngày ở văn phòng, một lãnh đạo cần đi ra ngoài, xem xét thị trường và mọi thứ đang chuyển động. Đó là cách để một lãnh đạo có thể thu thập ý tưởng kinh doanh từ những người có giá trị thực sự.
Những đối tác có thể biến mất. Nhân viên có thể bỏ việc. Đó là một phần của thế giới kinh doanh. Điều đó không có nghĩa là mọi thứ phải kết thúc bằng những điều xấu.
Hãy nhớ rằng, Branson đã từng trang điểm, mặc đồng phục của nữ tiếp viên vì thua cược với một đối thủ từng là nhân viên của Virgin.
Hoài Thu (Theo Cafe F)