Dù diễn biến dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai có phức tạp ra sao, đó vẫn là nơi những bệnh nhân chạy thận vẫn phải đến để duy trì sự sống.
Xóm chạy thận tại ngõ 121 Lê Thanh Nghị là nơi cư trú của hơn 130 bệnh nhân suy thận, những người phải gắn bó cả đời với những chiếc máy thận nhân tạo vô tri. Có người đã chạy thận đến nửa cuộc đời. |
Trong ngày 29/3, quận Hai Bà Trưng đã lập một chốt kiểm soát tại đầu xóm. Tất cả bệnh nhân sinh sống tại đây tự cách ly trong xóm. Mọi hoạt động ra vào được cán bộ trực chốt ghi lại. |
Đều đặn 3 lần/tuần, mọi bệnh nhân đều phải đến chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai. Đối với họ, chạy thận cũng giống như người bình thường ăn cơm, uống nước. Nếu dừng lại chỉ vài ngày, họ sẽ bị hành hạ trong những cơn đau buốt khắp người. |
Từ ngày dịch bệnh lan rộng, trong xóm vắng vẻ hơn, mọi người chỉ ở trong nhà, đến viện rồi lại trở về. Tất cả sinh hoạt bên ngoài đều gắn liền với khẩu trang. "Ở đây có bệnh nhân chạy thận tại các bệnh viện khác không chỉ riêng Bạch Mai, cùng xóm nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn là trên hết", bà Phan Thị Tảo nói. |
Bà Bùi Thị Yên xoay xở một mình với cuộc sống chạy thận nhân tạo đã gần 10 năm. Thời điểm này, khi mà Bạch Mai được coi như điểm lây lan dịch, bà Yên cũng lo lắng bởi sức đề kháng của những người suy thận như bà vốn đã yếu, cùng nhiều bệnh nền phức tạp. |
Trong thời gian cách ly tại xóm, các bệnh nhân được phường hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm, đặc biệt quận Hai Bà Trưng hỗ trợ mỗi người 10 kg gạo và mỗi gia đình 1 triệu đồng. |
Đồ ăn, rau củ hàng ngày nếu ai có nhu cầu mua thì sẽ lập danh sách. Cán bộ phường Đồng Tâm phía ngoài tổng hợp, mua về phát đến từng nhà. |
Quanh quẩn trong căn phòng trọ chừng 6 m2, ông Nguyễn Văn Huệ hàng ngày cập nhật thông tin bệnh dịch qua chiếc màn hình tivi. Trước đây, ông Huệ làm thêm công việc trông nom người Bệnh tại Bạch Mai. Hiện tại, ông trong diện cách ly của xóm, không đi làm nên việc chi trả tiền thuốc càng trở nên khó khăn. |
Khoảng thời gian đông đúc nhất có lẽ là sáng sớm, khi mọi người ra khoảng sân nhỏ trước nhà tập thể dục, đi lại và sinh hoạt. |
Hiện tại, các bệnh nhân chạy thận của xóm đều đã được xe quân đội đưa đón, có lối đi riêng vào Khoa Thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai. |