Cháy xe nghi do bình khử khuẩn
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh một chiếc xe máy đột nhiên bốc cháy ngay trong hầm để xe. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc được cho là do bình xịt khuẩn của chủ xe.
Sự việc xảy ra vào 9h sáng ngày 29/9/2021, một nam thanh niên sau khi mua hàng về đã mở cốp xe lấy bình xịt khử khuẩn và dùng ngay bên cạnh xe.
Ngoài xịt toàn thân, anh này còn cẩn thận khử khuẩn cho cả cốp xe. Sau đó, người này để lại bình xịt vào cốp xe rồi rời đi.
Chỉ ít phút sau, phần đuôi xe máy bất ngờ xuất hiện làn khói nghi ngút, tiếp đó, chiếc xe máy bốc cháy dữ dội.
Khi nam thanh niên phát hiện sự việc đã nhanh chóng tách các xe xung quanh ra, lấy vải trùm lên xe mình nhưng không có tác dụng.
Sau khi đoạn clip được đăng tải, dư luận cho rằng, rất có thể nguyên nhân khiến chiếc xe bốc cháy là do bình khử khuẩn có cồn để trong cốp xe đang nóng.
Tuy chưa rõ thực hư vụ việc cũng như thiệt hại, nhưng đoạn clip cũng cảnh báo chúng ta cần cẩn thận hơn khi sử dụng các bình xịt cồn.
Bởi lẽ, bất kỳ dung dịch khử khuẩn nào cũng đều sẽ chứa một hàm lượng cồn nhất định. Khi đặt chúng trong môi trường nhiệt độ cao của cốp xe sẽ rất dễ gây ra cháy.
Không để chất dễ cháy trong cốp xe
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, ngoài bình xịt khuẩn, việc để các thiết bị điện có pin bên trong như điện thoại, laptop... trong cốp xe khi vừa mới vận hành hoặc đang trong quá trình di chuyển cũng làm tăng nguy cơ cháy xe do pin của các thiết bị trên tự bốc cháy do quá nóng.
Bởi lẽ, dưới sức nóng từ động cơ tỏa ra cùng với môi trường đóng kín dưới yên xe, khi đi dưới điều kiện nắng nóng, nhiệt độ trong cốp sẽ không dưới 40 độ C.
Để ngăn ngừa, hạn chế việc cháy xe, tháng 6/2020, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có khuyến cáo chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện cần thận trọng, không chủ quan khi chở hàng hóa trong hầm hàng, khoang hành lý, đặc biệt khi chở xe máy phải đảm bảo không còn nhiên liệu rò rỉ có thể gây cháy; thận trọng khi đi qua khu vực có các chất dễ cháy như rơm rạ, rác nilon…
Đồng thời, chủ xe cần chú ý bảo dưỡng xe định kỳ đảm bảo xe luôn ở tình trạng kỹ thuật tốt, đặc biệt không nên độ chế, lắp thêm các thiết bị vào hệ thống điện của xe (đèn, loa, tủ lạnh…) không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Cần sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn; kiểm tra tình trạng xe trước mỗi chuyến đi, không bơm lốp quá căng; hạn chế vận hành xe liên tục trong thời gian dài dưới điều kiện nhiệt độ cao (cần có thời gian nghỉ phù hợp).
Trước đó, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cũng đã khuyến cáo để đảm bảo an toàn cháy, nổ khi sử dụng ô tô, xe máy, người sử dụng phương tiện không được lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện khác, nếu lắp thêm phải bảo đảm không bị quá tải về điện.
Đồng thời, phải tuân thủ quy trình vận hành, bảo dưỡng tại nơi bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, chủ xe cần thường xuyên kiểm tra phương tiện để chủ động phát hiện sự cố khi xe có dấu hiệu khác thường (khó nổ, có hơi xăng, có tiếng kêu, nhiệt độ của máy cao, có mùi khét).
Khi để xe trong nhà, ở nơi trông giữ, chủ xe phải tắt khoá điện, đóng khoá bình xăng và để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; sử dụng nhiên liệu đúng chủng loại quy định. Đặc biệt, không để các chất dễ cháy, dễ bắt lửa trong xe, dưới yên xe, trong cốp xe, trong khoang động cơ; xe từ 4 chỗ ngồi trở lên cần trang bị bình chữa cháy.
Đối với chủ xe máy thì tuỳ theo điều kiện và cấu tạo của từng loại xe nên trang bị bình chữa cháy loại nhỏ ở xe hoặc trang bị bình chữa cháy ở nơi cư trú để có thể kịp thời xử lý các tình huống cháy không may xảy ra.