Xã Nghĩa Phương: Ông bà cho trẻ đi uống vitamin A vì sự mạnh khỏe

Vì sự đặc thù trong chiến dịch uống vitamin A đợt 2, tại xã Nghĩa Phương (Lục Nam, Bắc Giang) đa phần ông bà vui mừng vì được đưa cháu đi uống vitamin A. Bổ sung vitamin A rất cần thiết với sức khỏe và sự phát triển toàn diện.

Một bà đưa cả 4 cháu đi uống vitamin A

Mới hơn 7h sáng trời rét lạnh nhưng ở nơi chờ khám tại Trung tâm y tế xã Nghĩa Phương đã đông nghịt các ông bà, bố mẹ đưa con đi uống vitamin A đợt 2 trong 2 ngày 1-2/12.

Người dân đưa trẻ đến uống vitamin A tại trạm y tế xã Nghĩa Phương Người dân đưa trẻ đến uống vitamin A tại trạm y tế xã Nghĩa Phương

Bà Nguyễn Thị Sến, 55 tuổi, xóm Tân Hương, xã Nghĩa Phương đang quây quần bên 3 đứa cháu cho biết, 7 năm nay gần như năm nào bà cũng đưa các cháu đi uống vitamin A mỗi năm 2 lần. Bà kể, bà có 3 người con, con gái lấy chồng xa, 2 con trai có tất cả 5 con, bố mẹ đều đi làm công ty nên ông bà ở nhà chăm sóc các cháu. Hiện cháu lớn đã qua tuổi uống vitamin A, còn 4 cháu được uống đợt này. Xe bà lần 1 chở 3 cháu lớn từ 5, 3 và 2 tuổi ra uống trước, xong về bà đưa nốt cháu bé 7 tháng tuổi ra uống.

Bà cho biết, mỗi khi có đợt uống vitamin A, thăm khám sức khỏe hay tiêm chủng... bà đều đưa các cháu đi đầy đủ. Bởi bà biết uống vitamin A không chỉ giúp cháu bà sáng mắt mà còn rất cần thiết để giúp các cháu bà phát triển toàn diện, tăng chiều cao, ít bị tiêu chảy hay nhiễm bệnh đường hô hấp...

Bà Nguyễn Thị Sến và 3 cháu được đưa đi uống vitamin A

Bà Nguyễn Thị Sến và 3 cháu được đưa đi uống vitamin A

Tương tự, ông Đào Văn Sơn, 59 tuổi, xóm Tân Hương cũng cho biết, vợ chồng con ông đều đi làm công ty để con ở nhà cho ông bà chăm sóc nên ông bà là người đưa cháu đi uống vitamin A, tẩy giun và tiêm phòng.

Chị Dương Thị Phương, 32 tuổi cũng đưa 2 con 1 trẻ 15 tháng và trẻ 3,5 tuổi đến uống. Chị cho biết, dinh dưỡng, vitamin A và vi chất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ đặc biệt là trong những năm đầu đời nên dù bận mấy chị cũng cố gắng thu xếp đưa con đi uống đủ 2 đợt tại trạm y tế. Ngoài ra, chị cũng bổ sung thêm vitamin D và kẽm để trẻ phát triển tốt hơn.

Trẻ được khám sàng lọc trước khi uống vitamin A

Trẻ được khám sàng lọc trước khi uống vitamin A

BS Dương Văn Lực, trạm trưởng trạm y tế xã cho biết, là một xã miền núi với diện tích rộng 56 km2, dân số đông trên 17 nghìn dân, nền kinh tế còn chậm phát triển, kinh phí đầu tư cho y tế còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,38% có 9 dân tộc anh em sinh sống, dân cư sống không đồng đều chỗ ở rải rác có chỗ cách xa trung tâm xã tới 07km. Hơn nữa, hầu hết các cặp vợ chồng trẻ đều đi làm công ty, đi làm ăn xa gửi con cho ông bà chăm sóc nên nhiều ông bà là người nuôi dưỡng trẻ chính.

Cho trẻ uống Vitamin A tại trạm y tế xã Nghĩa Phương

Cho trẻ uống Vitamin A tại trạm y tế xã Nghĩa Phương

Để đảm bảo ít nhất 98% trẻ em từ 06 - 59 tháng tuổi được uống Vitamin A đủ liều, an toàn. Căn cứ vào kế hoạch số 941/KH-TTYT ngày 22/11/2023 của TTYT huyện Lục Nam, Y tế xã đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài phát thanh, trang Website UBND xã, loa truyền thanh ở UBND xã và nhà văn hóa các thôn, băng zôn, tờ tranh, áp phích.

Tổ chức đợt truyền thông, giáo dục kiến thức về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em và bà mẹ tới mọi gia đình có con trong độ tuổi từ 6-59 tháng; Phối hợp tổ chức thực hành dinh dưỡng cho trẻ như tổ chức bữa ăn dinh dưỡng hợp lý và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sử dụng băng rôn, áp phích trên các trục đường chính, công sở và các nơi công cộng.

Thông báo cho toàn bộ các đối tượng về thời gian, địa điểm tổ chức uống Vitamin A thông qua việc phát giấy mời.

Đặc biệt, để thuận lợi cho bà con đưa trẻ đi uống vitamin A an toàn và hợp lý, Trung tâm y tế xã đã triển khai 5 điểm uống trên toàn xã. Tại các điểm uống Vitamin A, Trung tâm bố trí đủ nhân lực (tối thiểu đủ 05 cán bộ trong đó có 02 cán bộ y tế được huấn luyện về kỹ thuật cân đo trẻ, cho trẻ uống và sử dụng Vitamin A an toàn hợp lý).

BS Dương Văn Lực trao đổi với phóng viên

BS Dương Văn Lực trao đổi với phóng viên

Không chỉ chú trọng việc uống vitamin A

Theo dõi trẻ được uống vitamin A tại xã Nghĩa Phương cho thấy, trẻ không chỉ được đến uống vitamin A mà ngay sau khi trẻ được tiếp đón và sàng lọc phân lọc đối tượng lại một lần nữa: Trẻ từ 6-11 uống liều 100.000UI và trẻ từ 12- 59 tháng uống bổ sung Vitamin A liều 200.000UI, trẻ sẽ được khám sức khỏe, nghe tim phổi và bác sĩ tư vấn điều trị nếu trẻ bị bệnh. Sau đó trẻ sẽ được các y bác sĩ cho uống vitamin A đầy đủ và đúng liều.

Đối với những trẻ bị ốm hoặc gia đình không đưa được đến điểm uống, cán bộ y tế xã sẽ đem thuốc tới tận nhà để cho trẻ uống.

BànBàn đón tiếp trẻ đến khám trước khi uống vitamin A
Bàn đón tiếp trẻ đến khám trước khi uống vitamin A

BS Lực cho biết, trong đợt này toàn xã có 1.284 trẻ từ 12-59 tháng và 163 trẻ từ 6-11 tháng được uống vitamin A. Theo báo cáo nhanh của Trạm Y tế xã, trong buổi sáng ngày 01/12 đã có trên 98% trẻ từ 6 – 59 tháng tuổi được uống bổ sung Vitamin A liều cao an toàn, đúng quy định.

BS Lực cho biết thêm, Nghĩa Phương là xã dân tộc miền núi nghèo nên tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) vẫn còn ở mức cao so với mặt bằng của tỉnh và cả nước. Năm 2022, tỷ lệ trẻ SDD thể thấp còi của xã là 13,5%.

TS.BS Nguyễn Hồng Trường – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho trẻ uống bổ sung Vitamin A tại Trạm y tế xã Nghĩa Phương – Lục Nam

TS.BS Nguyễn Hồng Trường – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho trẻ uống bổ sung Vitamin A tại Trạm y tế xã Nghĩa Phương – Lục Nam

Để nâng cao chất lượng dân số, giúp trẻ phát triển tốt cả thể chất và tinh thần, xã đã đẩy mạnh chương trình phòng chống SDD trẻ em: Quản lý tốt đối tượng thai nghén, tuyên truyền cho các bà mẹ biết cách chăm sóc thai nghén, sàng lọc dị tật bẩm sinh để phòng tránh SDD bào thai. Hàng tháng đã tổ chức cân trẻ bị SDD cho trẻ từ 0-24 tháng tuổi. Trong năm tổ chức cân trẻ từ 0-59 tháng tuổi 01 năm 1 lần Tổ chức cho trẻ 6-59 tháng tuổi được uống uống VTMA 2 đợt/ năm đạt 100%.

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, thực hiện các bữa ăn dinh dưỡng ...cho trẻ bằng nguồn thực phẩm tại địa phương và tổ chức cho trẻ tiêm chủng đầy đủ... nhờ đó mà tỷ lệ trẻ SDD thấp còi đều giảm liên tục hàng năm. Hiện tại ở xã tỷ lệ trẻ SDD thấp còi là 12,9%.

Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng Nguyễn Hồng Trường và BS. Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiếm soát bệnh tật tỉnh giám sát trẻ uống vitamin A

Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng Nguyễn Hồng Trường và BS. Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiếm soát bệnh tật tỉnh giám sát trẻ uống vitamin A

Lãnh đạo Viện Dinh dưỡng quốc gia giám sát chiến dịch uống vitamin A tại các địa phương

TS.BS Nguyễn Hồng Trường, Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, trong chiến dịch uống vitamin A đợt 2/2023, Viện Dinh dưỡng tổ chức 3 đoàn giám sát gồm lãnh đạo Viện là trưởng đoàn đi 6 tỉnh gồm: Bắc Cạn - Tuyên Quang, Thái Bình – Thanh Hóa; Lạng Sơn – Bắc Giang.

Đoàn đi Lạng Sơn – Bắc Giang giám sát cho thấy công tác tổ chức tốt tại tuyến tỉnh. Tại xã Nghĩa Phương, qua giám sát, theo dõi và khảo sát thì thấy công tác chỉ đạo tại địa phương rất bài bản. Có những công văn chỉ đạo từ UBND tỉnh, huyện, xã, CDC tỉnh và trung tâm y tế huyện chỉ đạo trực tiếp cho chiến dịch này. Trung tâm y tế xã cũng đã có kế hoạch triển khai phối hợp công tác liên ngành với phụ nữ, công an.... Trạm cũng lập danh sách và thông báo cho người dân đưa con tới uống đúng ngày 1-2/12. trong trọng tâm của chiến dịch.

TS.BS Nguyễn Hồng Trường đánh giá, cán bộ y tế xã trực tiếp triển khai hoạt động đã được tập huấn kỹ về kỹ năng, kỹ thuật, quy trình. Tại điểm uống cũng đã bố trí khu cho bà mẹ trẻ em ngồi chờ, có khu bàn đón tiếp riêng, bàn khám sàng lọc và bàn uống vitamin A riêng biệt. Đây là cách làm phù hợp đúng với quy trình hướng dẫn và cán bộ y tế xã đã làm đúng về chuyên môn, y phục, tác phong chuyên nghiệp. Đặc biệt, quan trọng nhất là đã vận động được các gia đình đưa con em ra uống đầy đủ.

Theo ông Trường, việc khảo sát không chỉ thúc đẩy hoạt động của địa phương mà còn xem địa phương đã thực hiện đúng theo quy trình hay không? Đối tượng đích có được hưởng quyền lợi không? Và có những góp ý trực tiếp cho địa phương để có cách làm phù hợp nhất. Kịp thời động viên các y bác sĩ tại trạm nỗ lực hơn và kịp thời tiếp nhận các thông tin phản hồi của trạm để chương trình có những điều chỉnh hướng dẫn sâu sát hơn cho những năm tiếp theo.

Thực tế, qua các năm triển khai Viện cũng tiếp nhận được rất nhiều sáng kiến và chúng tôi đã đưa các sáng kiến đó để phương đưa vào vận dụng cho phù hợp. Chẳng hạn như ở xã Nghĩa Phương lần này đã có sáng kiến để các bậc cha mẹ không đưa con đi uống được nhưng ghi ngày tháng năm sinh của trẻ vào giấy để ông bà đưa đi uống cho đúng độ tuổi.

Theo Đời sống
back to top