EU hiện là nhà nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, mua khoảng 2.338 nghìn tỷ USD hàng hóa từ nước ngoài hằng năm. Nhưng trong đó chỉ có 2% là từ Việt Nam. Ở chiều ngược lại, chỉ hơn 42% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng lợi từ thuế suất 0% theo Hệ thống ưu đãi phổ cập.
Các doanh nghiệp Việt Nam từ lâu đã phải vật lộn để có chỗ đứng tại thị trường EU, do phải đối mặt với các đối thủ từ các nước có ngành công nghiệp phát triển, đặc biệt là Trung Quốc. Giá sản phẩm Trung Quốc thường thấp hơn 10 - 20% so với hàng hóa giống hệt từ các nước khác.
Ngoài ra, yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là một trong những thách thức mà Việt Nam cần phải vượt qua, vì một số sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam vẫn dựa vào nguyên liệu nhập khẩu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu tăng trưởng khó có thể đạt được trong năm nay, nhưng thỏa thuận thương mại với EU sẽ giúp ngăn chặn sự suy thoái và tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo.
Việt Nam đang có cơ hội tăng cường xuất khẩu rất lớn sang EU, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh như dệt may, da và giầy dép, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản và các mặt hàng từ gỗ.
Theo WB, Việt Nam có thể hưởng lợi ích lớn hơn từ việc tham gia EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, Việt Nam có thể tối ưu hóa các thỏa thuận trong Hiệp định và thu được những lợi ích chưa từng có.
Việt Nam nên cải thiện liên kết giữa các nhà cung cấp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài dẫn đầu chuỗi cung ứng toàn cầu. Cần thực hiện môi trường đầu tư cởi mở và thuận lợi hơn để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU. Đặc biệt là các lĩnh vực như dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến và sản xuất, công nghệ thông tin, công nghệ cao và chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, khi FDI tăng, số lượng khiếu nại thương mại cũng sẽ tăng. Do đó, đại diện của WB tại Việt Nam khuyên Việt Nam cũng cần phải hoàn thiện khung pháp lý và cải thiện khả năng thực thi để giải quyết các khiếu nại giữa Nhà nước và các nhà đầu tư.
Mới đây, Bộ Công Thương cho biết sẽ hợp tác với Bộ KH&CN trong năm nay để bổ sung và sửa đổi Luật Sở hữu Trí tuệ sửa đổi năm 2009 và xem xét các nghị định liên quan đến EVFTA.