Vụ Việt Á: Ai là cổ đông? Có thực sự sản xuất kit test?

Kết luận điều tra cũng đã làm rõ những câu hỏi mà dư luận quan tâm: Ai là cổ đông chính của Công ty Việt Á? Việt Á có thực sự sản xuất kit test?
Ai là cổ đông của Công ty Việt Á?
Theo kết luận điều tra, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á được Sở KH&ĐT TP HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 28/2/2007, đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 11/10/2017. Công ty có trụ sở chính đặt tại phường 6, quận Phú Nhuận, TP HCM và chi nhánh tại phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, 2 địa điểm kinh doanh khác tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn và xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á có vốn điều lệ 1000 tỷ gồm 4 cổ đông: Phan Quốc Việt sở hữu 94500 cổ phần, chiếm 47,25% vốn điều lệ; Hồ Thị Thanh Thủy (vợ Việt) sở hữu 48000 cổ phần, chiếm 24% vốn điều lệ; Đồng Sỹ Huy sở hữu 47500 cổ phần, chiếm 23,75 vốn điều lệ và Võ Anh Triết sở hữu 10000 cổ phần chiếm tỷ lệ 5% vốn điều lệ.
Vu Viet A: Ai la co dong? Co thuc su san xuat kit test?

Bị can Phan Quốc Việt - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á.

Đáng chú ý, để phục vụ sản xuất kinh doanh, Phan Quốc Việt đã thành lập và điều hành hệ thống 15 công ty và cửa hàng Âu Lạc. Trong đó, Phan Quốc Việt sử dụng pháp nhân Công ty TNHH Khoa học An Việt, Công ty CP thiết bị y tế và Dược phẩm Thừa Thiên Huế, Công ty cổ phần đầu tư Việt Á y dược 99, Công ty TNHH Khoa học Việt Á, Công ty TNHH Y tế Âu Lạc làm quân xanh, cung cấp báo giá khi hợp thức hồ sơ đấu thầu các gói thầu mua bán test xét nghiệm và các sinh phẩm, vật tư y tế khác tại các tỉnh, thành phố, sử dụng tài khoản Cửa hàng Âu Lạc để chuyển tiền % ngoài hợp đồng cho các đơn vị, cơ sở y tế.
Móc ngoặc chiếm đoạt đề tài nghiên cứu của Nhà nước
Theo kết luận điều tra, đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) và các nước trên thế giới, Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ có chủ trương giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Với mục đích để Công ty Việt Á được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu, chế tạo kit test do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, trong thời gian này, Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (đơn vị đầu mối quản lý nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) để Công ty Việt Á được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt tham gia, phối hợp với Học viện Quân y thực hiện đề tài.
Quá trình tham gia nghiên cứu, Phan Quốc Việt thông đồng với Trịnh Thanh Hùng để Công ty Việt Á được sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài, lập hồ sơ đăng ký gửi Bộ Y tế.
Sau đó, Phan Quốc Việt tiếp tục đề nghị Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Thanh Long hỗ trợ giúp đỡ. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và thư ký Nguyễn Huỳnh đã can thiệp, tác động, chỉ đạo Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (đơn vị đầu mối cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm y tế của Bộ Y tế) tham mưu đề xuất để ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức kit test COVID-19 cho Công ty Việt Á, biến kit test từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý thành tài sản thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, trái quy định của pháp luật.
Khi Công ty Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 kit test cho Bộ Y tế, Phan Quốc Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá (kết quả điều tra xác định, giá thành sản xuất test xét nghiệm tối đa 143.461 đồng) nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/kit test không có căn cứ.
Để Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, phát triển sản phẩm kit test được cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm không thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, tạo điều kiện hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương theo giá đã được Phan Quốc Việt nâng khống như nêu trên, Phan Quốc Việt đã đưa tổng số tiền là 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng cho một số bị can.
Trong đó, Nguyễn Văn Trịnh, cán bộ Văn phòng Chính phủ 200.000 USD; Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ 200.000 USD; Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ 50.000 USD; Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật Bộ Khoa học và Công nghệ 350.000 USD; Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế 2,25 triệu USD; Nguyễn Huỳnh, nguyên thư ký Nguyễn Thanh Long 4 tỷ đồng, Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế Bộ Y tế 300.000 USD; Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế 100.000 USD.
Bên cạnh đó, quá trình Công ty Việt Á sản xuất và tiêu thụ kit test, Phan Quốc Việt đã trực tiếp hoặc chỉ đạo 7 nhân viên phụ trách vùng của Công ty Việt Á liên hệ làm việc và thỏa thuận, thống nhất với lãnh đạo, cán bộ các công ty trung gian (Công ty Việt Á bán cho các đơn vị, cơ sở y tế qua công ty trung gian) hoặc lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế để Công ty Việt Á giao kit test và các thiết bị, vật tư y tế khác cho các đơn vị, cơ sở y tế sử dụng trước; sau đó thông đồng hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng để đơn vị, cơ sở y tế thanh quyết toán, chuyển tiền cho Công ty Việt Á/công ty trung gian theo đơn giá do Công ty Việt Á/công ty trung gian đưa ra.
Việt Á có sản xuất kit test?
Kết luận điều tra nêu rõ, ngày 9/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kiểm tra tại hiện trường về máy móc, thiết bị, mặt bằng sản xuất, nhân công và tổ chức thực nghiệm tại Phòng Sản xuất test xét nghiệm của Công ty Việt Á (tại phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Cuộc kiểm tra có sự tham gia của luật sư bào chữa cho Phan Quốc Việt và đại diện Cục Khoa học hình sự Bộ Công an, chính quyền TP. Dĩ An, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế (Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Thanh tra Bộ Y tế, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Viện Pasteur TP HCM). Những người tham gia thực nghiệm điều tra gồm 13 nhân viên Công ty Việt Á, gồm bà Hồ Thị Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất, 9 nhân viên Phòng Sản xuất và 2 nhân viên Phòng Kiểm tra chất lượng.
Quá trình thực nghiệm cho thấy, những người tiến hành thực nghiệm chuẩn bị 11 loại hóa chất và 16 loại phương tiện, máy móc được chuẩn bị để thực nghiệm sản xuất một lô gồm 2.500 test xét nghiệm Covid-19, theo đúng quy trình và điều kiện sản xuất bình thường của Công ty Việt Á. Cơ quan chức năng sau đó tổ chức cho nhân viên Công ty Việt Á thực hành lại toàn bộ quá trình sản xuất ra một lô test xét nghiệm và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Kết quả thực nghiệm điều tra xác định, trong thời gian 2 giờ 5 phút, Công ty Việt Á sản xuất được 2.432 test xét nghiệm.
Về chất lượng kit test Covid-19 của Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn ra quyết định trưng cầu giám định thành phần hóa học, cấu trúc, trình tự các mồi, mẫu dò, tính năng, công dụng, hiệu quả (đối với mẫu test xét nghiệm khi thực nghiệm điều tra và test xét nghiệm thu giữ tại CDC Hải Dương). Kết luận của hội đồng giám định tư pháp (do Bộ Y tế thành lập) cho thấy kit test đảm bảo 4 tiêu chí: giới hạn phát hiện, độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, phù hợp với hồ sơ cấp số đăng ký lưu hành.
Hưởng lợi hơn 1.200 tỷ đồng khi tiêu thụ 8,3 triệu kit test xét nghiệm
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, giá sản xuất tối đa một kit xét nghiệm Việt Á là hơn 143.000 đồng (trong đó giá nguyên liệu hơn 41.000 đồng, phí nhân công 32.000 đồng, phí sản xuất 27.700 đồng, bán hàng 16.000 đồng...). Giá này đã bao gồm chi phí hợp lý, hợp lệ và lợi nhuận 5% theo quy định.
Trong năm 2020 và 2021, Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit xét nghiệm và đã tiêu thụ 8,3 triệu kit theo đơn giá 470.000 đồng. Trong đó, Việt Á đã được thanh toán gần 6 triệu kit, tổng giá trị hơn 2.250 tỷ đồng.
Về thiệt hại của vụ án, kết luận điều tra xác định lợi nhuận định mức mà Việt Á được hưởng khi chuyển giao quyền sản xuất, kinh doanh chỉ là 5%. Tuy nhiên, chi phí sản xuất mỗi kit xét nghiệm chỉ hơn 143.000 đồng nhưng lại bán 470.000 đồng. Bởi thế, số tiền hưởng lợi bất chính của Việt Á là 1.235 tỷ đồng, chênh lệch giữa giá bán và giá sản xuất.
Kết luận điều tra cho rằng bị can Việt cùng đồng phạm còn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm đấu thầu với 1,2 triệu kit test gây thiệt hại cho tài sản nhà nước 400 tỷ đồng.

>>> Mời độc giả xem video 38 bị can trong đại án Việt Á: Nhìn lại những sai phạm


Theo Đời sống
back to top