Vụ hàng vạn dân Hà Nội khốn khổ vì nước có mùi lạ: Dân có thể kiện công ty nước sạch

(khoahocdoisong.vn) - Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi lạ xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều khu vực trên địa bàn TP Hà Nội. Nguyên nhân được xác định là do khu vực đầu nguồn nước gần nhà máy nước sông Đà (Hòa Bình) có nhiều dầu lạ đổ ra, bốc mùi khó chịu.

Biết nước bẩn vẫn cấp cho dân?

Một số người dân tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình phản ánh, từ sáng sớm ngày 9/10 quanh khu vực suối Khại đầu nguồn gần nhà máy nước sạch Sông Đà xuất hiện dầu nhớt đã qua sử dụng, có mùi khét rất khó chịu. Do trời mưa, lượng dầu này tràn xuống dòng suối đầu nguồn, sau đó tiếp tục chảy vào hồ Đồng Bài gây ô nhiễm nước. Trong khi đó, nhà máy nước sông Đà lấy nước trực tiếp từ hồ Đầm Bài.

Sáng 14/10, dù trời vừa mưa, nhưng dòng suối vẫn có mùi khét lẹt. Anh Nguyễn Văn Dũng (người dân xóm Văn Lạn, xã Phú Minh) cho biết: "Mùi nồng  nặc, không chịu nổi, phải lấy áo che mà vẫn rất khó chịu". Dù đã vài ngày nhưng nước từ ao cá nhà anh Dũng, lấy nguồn từ suối Khại, vẫn bốc mùi khét. Nguồn nước ô nhiễm khiến ao cá của anh bị chết khoảng 1 tấn, toàn bộ số cá chết phải chôn bỏ. 

Dầu tràn xuống dòng suối đầu nguồn, sau đó tiếp tục chảy vào hồ Đồng Bài gây ô nhiễm nước.

Dầu tràn xuống dòng suối đầu nguồn, sau đó tiếp tục chảy vào hồ Đồng Bài gây ô nhiễm nước.

Nước sinh hoạt nhiễm mùi dầu khét như mùi nhựa cháy làm đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn hộ dân ở các quận Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân.... Đến sáng 13/10, mùi tuy đã giảm bớt nhưng nhiều khu cư dân vẫn còn mùi trong nước, do đó họ vẫn chưa thể yên tâm sử dụng nguồn nước máy. Tại khu đô thị Linh Đàm, cư dân chung cư HUD3 phải bỏ tiền mua nước và chuyển bằng xe téc đến để cư dân dùng trong ăn uống. Một số người có con học tại Trường tiểu học Chu Văn An đã thống nhất với hội phụ huynh mua nước chở bằng xe téc đến trường để nấu ăn cho các con. Nhiều gia đình mang quần áo sang nhờ người thân, hoặc ra hàng giặt.

Mặc dù sự việc xảy ra từ ngày 10/10 nhưng phải đến sáng 14/10, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) mới có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý vận hành nhà máy từ ngày 9 - 11/10/2019. Văn bản này thừa nhận vào 12h00 ngày 9/10/2019, thời tiết khu vực mưa, nhân viên bảo vệ đi vớt rong rêu phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ có váng dầu chưa rõ nguyên nhân. Bảo vệ đã báo cáo lên lãnh đạo Công ty này cho hướng xử lý. Sau khi nhận được thông tin, nhà máy đã đóng van cấp nước vào bể chứa trung gian và tiến hành xúc xả toàn bộ nước thông qua van xả cặn đoạn từ nhà máy về đến bể chứa trung gian. Do không có nước về bể chứa nên Công ty buộc phải giảm áp để duy trì cấp nước.

Việc nguồn nước bị ô nhiễm dầu thải đã được doanh nghiệp cung cấp nước phát hiện ngay từ ngày 9/10 nhưng đến ngày 14/10, tuyệt nhiên không có bất kỳ một thông tin chính thức nào được Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) thông báo tới các công ty phân phối nước và người dân sử dụng nước của công ty này. Doanh nghiệp này cũng không hề có những cảnh báo, khuyến cáo kịp thời cho người dân về các nguy cơ nước sạch bốc mùi ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe, giải pháp xử lý nguồn nước ra sao để người dân an tâm.

Nhận định về sự việc nói trên tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ TN&MT, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), cho biết lãnh đạo nhà máy nước sạch đã biết sự việc nhưng vẫn tiếp tục cấp nước cho người dân là hành động thiếu trách nhiệm. Nguồn nước sông Đà rất quan trọng, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho người dân. Doanh nghiệp không kiểm soát tốt để ảnh hưởng đến chất lượng nước là rất thiếu trách nhiệm.

Lãnh đạo nhà máy nước sông Đà đã biết sự việc nhưng vẫn tiếp tục cấp nước cho người dân.

Lãnh đạo nhà máy nước sông Đà đã biết sự việc nhưng vẫn tiếp tục cấp nước cho người dân.

Sáng 15/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trả lời về vấn đề nước sạch sông Đà "có mùi lạ". Theo ông Chung, ngày 10/10, thành phố nhận thông tin qua người dân và báo chí về việc nước sạch tại Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai có mùi bất thường. Thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra toàn bộ nguồn cung, xả nước của nhà máy nước sông Đà thuộc Công ty Cổ phần Kinh doanh Nước sạch sông Đà - Viwasupco. Kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ trong nước liên quan đến chất styren, chất này có tỷ lệ cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức bình thường. Hà Nội sẽ có công văn gửi tỉnh Hòa Bình đề nghị Công an tỉnh này làm rõ trách nhiệm của công ty.

Nước không được lọc đúng quy trình?

PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội, người nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực lọc nước với công trình nổi tiếng biến nước sông Tô Lịch thành nước uống cho biết, sự cố nước có mùi dầu khét này có thể do nước đã không được lọc đúng quy trình. Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà là đơn vị sản xuất nước sạch từ nước mặt. Về nguyên tắc, quy trình xử lý nước mặt phức tạp hơn quy trình xử lý nước ngầm. Cụ thể: Nước mặt được dẫn về sẽ được xử lý bụi bẩn lơ lửng bằng keo tụ để trở thành nước trong. Sau đó nước sẽ được qua lớp hấp thụ than hoạt tính để loại bỏ hết các chất hữu cơ, vốn rất nhiều ở nước mặt, sau đó dùng clo hóa diệt trùng và cung cấp cho người dân.

Dù nguồn nước đầu vào có bị nhiễm dầu, nếu nước được xử lý đúng quy trình nêu trên thì sẽ không có chuyện nước sinh hoạt ở nhà dân vẫn bốc mùi dầu khét lẹt như nước chưa xử lý. Nhiều khả năng là nước không được lọc ở khâu than hoạt tính, hoặc có thể do lớp lọc than hoạt tính thời điểm đó cần phải thay mà chưa được thay, hoặc có sự cố nào đó, mới dẫn đến tình trạng này.

Điều nguy hiểm hơn là, nếu nước mặt không được xử lý than hoạt tính trước khi dùng clo hóa tiệt trùng thì các chất hữu cơ có trong nước, khi gặp clo sẽ trở thành clo hữu cơ. Hầu hết các hợp chất clo hữu cơ là chất độc, thuốc trừ sâu là một ví dụ. Hy vọng đây chỉ là sự cố trong một thời điểm nhất định và phía công ty nước sạch đã khắc phục, nếu không thì sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe người dân. 

Cũng theo PGS.TS Trần Hồng Côn, hiện đa phần các đơn vị cung cấp nước ở Hà Nội sử dụng nước ngầm, chỉ có một số ít đơn vị cung cấp nước mặt như Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà. Khó có thể nói được, dùng nước mặt hay nước ngầm thì an toàn hơn, vì nước ngầm lại có nguy cơ nhiễm kim loại nặng cao hơn. Để xử lý nước ngầm, người ta khai thác xong, phải lọc bỏ kim loại nặng như chì, asen, sau đó sẽ clo hóa để cung cấp cho người dân. Đối với nước ngầm thì không cần phải lọc than hoạt tính, bởi lượng hữu cơ trong nước ngầm rất thấp.

Trong khi chờ kết luận của cơ quan chức năng, để yên tâm hơn, người dân có thể đầu tư hệ thống lọc than hoạt tính tại nhà, nhưng đây chỉ là biện pháp tình thế và có giá thành cũng khá cao. 

Lo sợ nguồn nước sông Đà ô nhiễm, người dân mua nước đóng bình sử dụng.

Lo sợ nguồn nước sông Đà ô nhiễm, người dân mua nước đóng bình sử dụng.

Không được cảnh báo dẫn đến đảo lộn sinh hoạt

Về trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước sạch, theo LS Văn Trường Chinh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), khi người dân phản ánh nước nhiễm bẩn, có mùi lạ thì vai trò của công ty nước là rất quan trọng. Do sự việc xảy ra ở nhiều quận huyện, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe hàng triệu người dân thì những đơn vị kinh doanh nước sạch, thậm chí là các cơ quan chức năng của thành phố cần có cảnh báo chung cho người dân. Từ đó giúp cho người dân biết được cách ứng phó, phòng tránh khi nguồn nước đột ngột nhiễm bẩn. Ngoài ra công ty cung cấp nước sạch cần có nguồn nước dự trữ khi xảy ra sự cố. Ở đây, người dân không được cảnh báo trước dẫn đến sinh hoạt bị đảo lộn thì phía công ty phải chịu trách nhiệm. 

Cũng theo LS Văn Trường Chinh, theo Khoản 3 Điều 12 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng nêu rõ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa phải “Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa”. Do đó, doanh nghiệp cung cấp nước sạch cho người dân phải có trách nhiệm cảnh báo, đền bù nếu xảy ra thiệt hại.

Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà đang cung cấp 300.000m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội gồm các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm và một số quận nội thành cùng một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị "Sơn Tây - Hòa Lạc- Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông".

Theo Đời sống
back to top