Kỷ lục số tiền đưa, nhận hối lộ
Sáng nay 11/7, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong đại án “chuyến bay giải cứu”. Các bị cáo nguyên là quan chức, cán bộ của 4 bộ, 2 tỉnh, 5 cơ quan đại diện Ngoại giao của Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp sẽ bị đưa ra xét xử về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong đó, có đến 18 bị cáo bị truy tố với khung hình phạt cao nhất ở tội nhận hối lộ là tử hình.
Phiên tòa dự kiến kéo dài 1 tháng. HĐXX gồm 5 người do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử có 9 kiểm sát viên. Ngoài 54 bị cáo, tòa án cũng triệu tập 46 người và 16 công ty với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Đáng chú ý, có đến 105 luật sư tham gia bào chữa cho 54 bị cáo và được xem là con số kỷ lục tại một phiên tòa do TAND TP Hà Nội xét xử.
Một số bị cáo trong vụ án. |
Theo cáo buộc, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch.
Việc đưa công dân về nước được tổ chức theo hình thức: công dân thuộc diện ưu tiên được về trên các chuyến bay do cơ quan nhà nước phối hợp tổ chức thực hiện và cách ly tại các cơ sở quân đội. Công dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không phải trả tiền chi phí cách ly (chuyến bay giải cứu).
Sau đó, Chính phủ tiếp tục cho phép tổ chức các "chuyến bay combo.” Đây là các chuyến bay được các doanh nghiệp tổ chức thực hiện cho những công dân có nhu cầu tự nguyện trả chi phí trọn gói về nước bao gồm: vé máy bay, giấy chấp nhận của đơn vị tổ chức cách ly sau khi đã thỏa thuận về chi phí cách ly và giấy chấp thuận cho nhập cảnh.
Từ đầu 2020 đến tháng 1/2022, cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 "chuyến bay giải cứu", 372 "chuyến bay combo".
Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đối với việc cấp phép chuyến bay công dân tự trả phí, một số cá nhân có thẩm quyền ở các bộ, ngành đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay này.
Theo quy trình, doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay combo phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh, thành phố - nơi thực hiện cách ly công dân về nước. Hồ sơ sau đó được gửi về Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để đơn vị này tổng hợp, lấy ý kiến tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng).
Để được duyệt qua quy trình này, nhiều doanh nghiệp đã phải dùng chi phí "bôi trơn" các cá nhân liên quan trong quy trình. Cơ quan điều tra phát hiện để có chi phí "bôi trơn," nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé máy bay, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.
Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cáo trạng cho thấy, nhiều bị cáo đã nhận hối lộ hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Điển hình, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ 253 lần, tổng cộng 42,6 tỷ đồng; Vũ Anh Tuấn, cựu Phó phòng tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận 49 lần 27,3 tỷ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Lãnh sự Bộ Ngoại giao 32 lần nhận 25 tỷ đồng; cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận 37 lần tổng 21,5 tỷ đồng...
Kỷ lục số tiền lừa đảo chạy án
Trong vụ án trên, cựu thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội, bị xét xử về tội môi giới hối lộ; Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng Phòng Điều tra, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, bị cáo buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cáo trạng nêu, các bị cáo Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng - Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky, đã đưa hối lộ cho một số cá nhân có thẩm quyền.
Theo đó, khi vụ án được điều tra, Hằng gặp cựu thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, khi đó là Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, để nhờ không bị xử lý hình sự. Do quen biết, Tuấn sau đó kết nối cho Hằng gặp Hoàng Văn Hưng, khi đó là Trưởng phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) là điều tra viên thụ lý chính vụ án chuyến bay giải cứu. Cựu thiếu tướng Tuấn cũng nhờ Hưng giúp Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự.
Tháng 2/2022, bị cáo Tuấn sắp xếp cho Hằng và Hưng gặp nhau 3 lần tại nhà mình ở phố Chùa Láng (quận Đống Đa, TP Hà Nội). Tại đây, Hằng trình bày với bị cáo Hưng có đưa hối lộ khi xin cấp phép chuyến bay và nhờ "giúp đỡ".
Vị Trưởng phòng An ninh đồng ý rồi hướng dẫn Hằng và Sơn phải khai báo theo hướng việc đưa hối lộ, xin cấp phép bay và chủ trương cách ly do Hằng thực hiện còn Sơn làm "bù nhìn"; tức Hằng phải nhận hết trách nhiệm về mình.
Bị can Hưng còn hướng dẫn Hằng viết các bản tường trình việc đưa hối lộ nhưng không ghi ngày tháng để mình xem trước, đồng thời nữ bị cáo cũng viết đơn tố cáo việc đưa tiền xin cấp phép chuyến bay, gửi cơ quan điều tra. Trong thời gian này, Hằng đưa cho ông Tuấn 200.000 USD để "ứng trước" cho Hưng.
Giai đoạn tháng 3 đến tháng 7/2022, cựu thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn tiếp tục sắp xếp cho Hằng và Hưng gặp nhau nhiều lần tại nhà mình. Tại đây, bị cáo Hưng tiếp tục hướng dẫn Sơn khai báo theo hướng "không biết gì", mọi việc do Hằng quyết định. Trong thời gian này, Hằng đã 5 lần đưa cho cựu phó giám đốc TP Hà Nội 1.000.000 USD để chuyển cho Hưng.
Tuy nhiên, sau đó, 2 người này vẫn liên tục bị triệu tập, tại cơ quan điều tra, Hằng thừa nhận việc đưa hối lộ, nhận hết trách nhiệm song Sơn lại khai biết việc này, trái hướng dẫn của Hưng. Do vậy, Hưng tiếp tục yêu cầu Sơn khi khai báo phải trình bày "chỉ thấy Hằng đưa túi quà cho cán bộ Văn phòng Chính phủ", không biết trong có gì. Trong thời gian này, Hằng tiếp tục đưa 600.000 USD cho cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội với mục đích chuyển cho Hưng.
Tháng 9/2022, Hưng bị điều chuyển công tác sang Phòng Chính trị Hậu cần nhưng bị cáo này tiếp tục gặp Hằng tại nhà cựu thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn để cung cấp thông tin và yêu cầu đưa tiền. Lần này, 350.000 USD được Hưng nhận trực tiếp với lý do "chi cho Viện Kiểm sát".
Cuối tháng 11/2022, gặp nhau tại nhà Tuấn, bị cáo Hưng lấy lý do "viện kiểm sát chê ít", yêu cầu Hằng đưa thêm 450.000 USD. Do muốn "cứu Sơn" và tin tưởng Hoàng Văn Hưng nên Hằng đã đưa số tiền này cho cựu trưởng phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra. Bên cạnh đó, cựu trưởng phòng 5 Cơ quan An ninh điều ta còn nói việc chuyển công tác với mình chỉ là hành chính, Hưng vẫn trực tiếp chỉ đạo điều tra, báo cáo đề xuất chủ trương xử lý vụ án.
Tháng 12/2022, Sơn bị bắt về tội đưa hối lộ nên Hằng tiếp tục nhờ cựu thiếu tướng Tuấn cho gặp Hưng. Lần này, cựu trưởng phòng điều tra vẫn khẳng định "kiểm soát được tình hình", Sơn bị khởi tố do "chưa kịp xử lý A01 cục nghiệp vụ Bộ Công an". Bị cáo này sẽ giúp Sơn có tội nhẹ nhất là không tố giác tội phạm hoặc được đình chỉ điều tra.
Tuy nhiên, Hằng và Sơn do vẫn bị khởi tố nên cùng viết đơn tố giác hành vi lừa đảo của Nguyễn Anh Tuấn tới cơ quan điều tra. Theo Hằng khai báo đã 13 lần đưa tiền cho cựu thiếu tướng Tuấn, tổng cộng 2,8 triệu USD với mục đích nhờ đưa cho Hưng.
Cơ quan điều tra xác định Tuấn chỉ nhận 2,65 triệu USD và Hằng, Sơn bị xác định đưa hối lộ số tiền này còn cựu phó giám đốc Công an Hà Nội đã có hành vi "Môi giới hối lộ". Với bị cáo Hoàng Văn Hưng, phía tố tụng cho rằng chỉ có căn cứ xác định Hưng nhận 2 lần từ Tuấn, tổng số 800.000 USD nên phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ