Vụ bé 5 tuổi tử vong do bị bỏ quên trên xe: Ai chịu trách nhiệm?

Hoạt động của trường mầm non có giấy phép hay không, có tuân thủ các quy định của pháp luật về việc đảm bảo an toàn trong quá trình đưa đón học sinh hay không, trách nhiệm của những người đưa đón, quản lý giáo dục…cũng sẽ được làm rõ.
Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình tại cuộc họp tối 29/5 yêu cầu Công an tỉnh Thái Bình khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc trẻ mầm non bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh dẫn đến tử vong, khởi tố vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Thông tin vụ việc, khoảng 6h20 ngày 29/5, lái xe N.V.L và cô giáo P.Q.A có nhiệm vụ đón trẻ mầm non từ nhà đến Trường Mầm non Hồng Nhung 2 (xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình), trong đó có bé T.G.H (SN 2019, trú tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư).
Be 5 tuoi tu vong do bi bo quen tren xe: Ai chiu trach nhiem?

Hiện trường vụ việc

Đến 17h cùng ngày, người thân của bé H đến đón, không thấy cháu nên đã tìm kiếm và phát hiện cháu H vẫn trên xe đưa đón học sinh của nhà trường. Khi cửa xe được phá, cháu bé đã trong tình trạng nguy kịch khi ở trên xe gần 11 tiếng. Cháu bé tử vong dù được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cấp cứu.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội bày tỏ sự đau xót cháu bé và cho rằng, việc bỏ quên trẻ mầm non trên xe dẫn đến bé tử vong là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Dù nguyên nhân nào, lỗi vô ý của ai đi nữa, hành vi này có thể xử lý hình sự đối với những người có liên quan.
Do đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân cháu bé tử vong, xem xét trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Hoạt động của trường mầm non có giấy phép hay không, có tuân thủ các quy định của pháp luật về việc đảm bảo an toàn trong quá trình đưa đón học sinh hay không, trách nhiệm của những người đưa đón, quản lý giáo dục…cũng sẽ được làm rõ.
Đồng thời, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc đưa đón học sinh do nhà trường tổ chức hay thuê đơn vị dịch vụ; quy trình đưa đón học sinh được quy định và tổ chức thực hiện như thế nào, trách nhiệm đón và trả học sinh trong ngày xảy ra sự việc thuộc về những cá nhân nào?
Cùng với đó, lái xe, phụ xe, giáo viên quản lý lớp có trách nhiệm như thế nào đối với việc đưa đón học sinh; những người này đã thực hiện nhiệm vụ như thế nào, vì sao lại bỏ quên chào bé trên xe? Khi phát hiện cháu bé không đến lớp, giáo viên có biết hay không, có báo cho nhà trường và phụ huynh hay không? Người đưa đón các cháu trên xe ô tô có đếm khi các cháu lên, xuống xe và có bàn giao cho nhà trường hay không?...cũng cần được làm rõ.
Ngoài ra cũng cần làm rõ nguyên nhân cháu bé tử vong là gì, có phải là suy kiệt khi bị bỏ quên trên xe hay không?
Đó là những vấn đề quan trọng để xác định nguyên nhân sự việc, xác định hậu quả sự việc, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, cơ quan chức năng có thể tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non này cho đến khi đánh giá được sự việc, làm rõ được vai trò trách nhiệm và yếu tố an toàn, khi đó trường mới được mở trở lại.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy cháu bé tử vong có nguyên nhân từ việc cháu bé bị bỏ quên trên xe ô tô, đồng thời xác định được lỗi cụ thể của người phụ trách đưa đón, của lái xe, của giáo viên hoặc của những người có trách nhiệm trong việc đưa đón cháu bé, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với những người vi phạm về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính, quy tắc nghề nghiệp theo điều 129, Bộ luật Hình sự.
Trường hợp nhiều người cùng có lỗi dẫn đến cháu bé tử vong đều có thể bị xử lý về tội vô ý làm chết người hoặc tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính, quy tắc nghề nghiệp và có thể xử lý người quản lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…
“Xử lý ai, về tội danh nào sẽ phụ thuộc vào quy định về trách nhiệm và thực tế thực hiện nhiệm vụ, đồng thời căn cứ vào các dấu hiệu cấu thành tội phạm của các tội danh có liên quan nêu trên”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Có thể thấy rằng, việc đưa đón học sinh là một quá trình đòi hỏi phải có quy tắc đảm bảo an toàn, người thực hiện việc đưa đón học sinh phải là những người có trình độ kỹ năng chuyên môn tốt, có trách nhiệm và tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn, có người giám sát. Chỉ cần thiếu trách nhiệm trong việc xây dựng quy trình đưa đón học sinh, tổ chức thực hiện việc đưa đón học sinh hoặc người được giao quản lý việc đưa đón học sinh tắc trách, thiếu trách nhiệm, không tuân thủ quy trình đưa đón học sinh là có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Bởi vậy, để giảm thiểu những vụ việc đau lòng, các cơ sở giáo dục cần phải có quy trình đưa đón học sinh khoa học hợp lý, phải tổ chức tập huấn cho những người tham gia đưa đón học sinh, lựa chọn những người đưa đón học sinh có trách nhiệm, có uy tín, có đạo đức và cần phải giám sát hoạt động này qua nhiều khâu, trách nhiệm của nhiều người để tránh những sai sót, bất cẩn có thể xảy ra.
Bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của các bậc phụ huynh làm cha làm mẹ, của thầy cô giáo mà là trách nhiệm của tất cả mọi người, đặc biệt là những người đưa đón, chăm sóc học sinh. Cần xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường các hoạt động thanh tra kiểm tra để kịp thời phát hiện ra những lỗi trong quy trình, lỗi phương tiện hoặc trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện việc đưa đón học sinh.

>>> Mời độc giả xem thêm video Học sinh không được phát suất ăn liên hoan: GVCN nhận thiếu xót

Theo Đời sống
Nan giải xử lý “ô nhiễm trắng”

Nan giải xử lý “ô nhiễm trắng”

Rác thải nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần hay túi nilon khó phân huỷ đang được sử dụng tràn lan, ảnh hưởng rất lớn môi trường, sức khỏe con người. Điều lo ngại là rác thải nhựa chưa có biện pháp xử lý triệt để.
back to top