VN-Index tròng trành vì dịch, nhà đầu tư Việt có kinh nghiệm "bắt đáy"?

(khoahocdoisong.vn) - Lượng người mới gia nhập thị trường chứng khoán (TTCK) tăng ồ ạt. Đi ngược xu hướng giảm điểm vì ảnh hưởng dịch Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam có những phiên tăng điểm và sự gia tăng số lượng các nhà đầu tư cá nhân mới tham gia.

“Bắt đáy”?

Sau một tháng lao dốc không phanh kỷ lục trong lịch sử, lực cầu “bắt đáy” cao đã hãm đà khủng hoảng của tháng 3 giúp VN-index ổn định và thậm chí hồi phục, tăng điểm trong tháng 4. Thống kê cho thấy, từ đầu tháng 4, từ khi Chính phủ công bố việc cách ly xã hội do dịch bệnh, phần lớn các phiên giao dịch, VN Index đều đóng cửa trong sắc xanh. VN-index đã lấy lại hơn 127 điểm chỉ trong vòng nửa đầu tháng 4.

Đoán chừng đã “qua đáy” đang đà lên, dòng tiền của các nhà đầu tư mới tiếp tục đổ vào. Mặc dù nhiều thời điểm rung lắc, nhưng dòng tiền vào thị trường mạnh mẽ đã giúp các chỉ số vẫn giữ được đà hồi phục.

Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 31.949 tài khoản chứng khoán trong tháng 3/2020, con số cao nhất trong vòng 2 năm qua. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 31.832 tài khoản, nhà đầu tư tổ chức mở mới 117 tài khoản. Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 3 vừa qua chỉ xếp sau con số kỷ lục 40.651 tài khoản được thiết lập vào tháng 3/2018, khi VN-Index đạt đỉnh lịch sử 1.200 điểm.

Nhà đầu tư trong nước ồ ạt mở tài khoản ngay trong bối cảnh Thị trường Chứng khoán Việt Nam đang trải qua tháng giao dịch "tồi tệ" bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tháng 3/2020, chỉ số VN-Index giảm kỷ lục lên tới 24,9%, chỉ xếp sau mức giảm 34,34% trong tháng 8/2001. Đây là tháng có mức giảm điểm lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo các chuyên gia chứng khoán, số tài khoản mở mới tăng mạnh vào thời điểm VN-Index lao dốc thảm hại cho thấy nhiều nhà đầu tư nhận thức cổ phiếu thời điểm đó bị định giá dưới giá trị thực trong khủng hoảng. Và đây là cơ hội để đầu tư cổ phiếu giá rẻ.

Đáng chú ý, lượng nhà đầu tư mới phần lớn là nhà đầu tư số 0 - thuật ngữ chỉ các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường khi còn thiếu các kiến thức cơ bản về chứng khoán hay các thông tin tài chính. Nhiều người thậm chí khoán trắng cho một môi giới tự ra quyết định lệnh mua bán thay.

Tuy nhiên, nhờ những nhà đầu tư mới ồ ạt mở tài khoản đem theo một dòng tiền lớn mà VN-Index  hãm được đà giảm sâu. Mặc dù khối ngoại bán tháo mạnh nhưng VN-Index vẫn có những phiên tăng điểm lên tục. Có những thời điểm VN-Index tăng kỷ lục, lên khoảng 7% (700 - 750 điểm trong tuần đầu của tháng 4). 

Theo nhận định của những nhà đầu tư lớn, hiện VN-index đã qua thời điểm “đáy”, các "cá mập" và nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư kỳ cựu đang chớp cơ hội để xả hàng chốt lời, thu vốn, giảm bớt thiệt hại. Do vậy, những nhà đầu tư số 0 non trẻ vào thị trường thời điểm này không có kinh nghiệm là tự đẩy mình vào bẫy. Đến khi hết dịch, cần tiền sinh hoạt, kinh doanh phải bán tháo cổ phiếu thì mới là thời điểm các nhà đầu tư kỳ cựu sẽ quay trở lại để kiếm lời từ chính những nhà đầu tư mới. 

Nhà đầu tư trong nước đã mở mới 31.949 tài khoản chứng khoán trong tháng 3/2020, con số cao nhất trong vòng 2 năm qua.

Nhà đầu tư trong nước đã mở mới 31.949 tài khoản chứng khoán trong tháng 3/2020, con số cao nhất trong vòng 2 năm qua.

Thước đo sức khỏe nền kinh tế

Dữ liệu từ Sở GDCK TPHCM (HoSE) cho biết, khối ngoại đã bán ròng xấp xỉ 8.000 tỷ đồng trong tháng 3/2020. Nếu như không có những nhà đầu tư mới tham gia "bắt đáy", thị trường hoàn toàn có thể ghi nhận mức giảm sâu hơn nữa. Khối ngoại rút vốn mạnh trong thời gian qua cũng có nguyên nhân từ việc hạn chế đi lại giữa các quốc gia và khủng hoảng bởi dịch Covid-19 trên toàn thế giới.

Thị trường chứng khoán là một trong những thước đo phản ánh sức khỏe nền kinh tế. Thống kê của Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp cho thấy, trong quý 1/2020 có gần 3.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi số vốn đăng ký của các doanh nghiệp mới là 207.000 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Số doanh nghiệp rời thị trường đang tăng và số doanh nghiệp thành lập mới đang giảm trong quý 2/2020. Điều đó cho thấy, tác động xấu của dịch bệnh lên nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng cao, rõ dần trong các quý cuối năm. Trong quý 1/2020, kinh tế Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn thị trường chứng khoán dần ổn định, và có hồi phục... đó có phải là điều “bất thường”?

Theo các chuyên gia chứng khoán, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn còn rất non trẻ so với thế giới, độ minh bạch chưa cao, dễ bị ảnh hưởng bởi các làn sóng đầu cơ, thâu tóm, chưa đủ mạnh để kháng lại hoàn toàn các nhà tạo sóng. Do vậy, hiện tượng “bùng nổ” tăng liên tiếp từ đầu tháng đến nay (trừ ngày 10/4) không hẳn thể hiện bản chất tăng trưởng và hồi phục của nền kinh tế.

Mặc dù Việt Nam đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh, nhưng các biện pháp hỗ trợ, kích cầu cần phải có thời gian để phục hồi nền kinh tế. Sau mỗi đợt khủng hoảng, kinh tế toàn cầu thường cần ngoài 6 tháng để ổn định và bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng. Đại dịch Covid-19 hiện đã tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu và từ đó đẩy nền kinh tế các nước tới nguy cơ suy thoái. Thời gian tái cấu trúc, thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu cần thời gian phục hồi lâu hơn những cuộc khủng hoảng trước đó.

Điều này cũng có nghĩa, đà hồi phục của thị trường chứng khoán Việt không hẳn đã thể hiện sự hồi phục chắc chắn của nền kinh tế. Tất nhiên, khi thị trường khủng hoảng cũng là khi cơ hội đầu tư tăng cao với cổ phiếu giá rẻ. Nhưng khi gia nhập thị trường thời gian này với niềm tin "bắt đáy" và sử dụng đòn bẩy cao cũng vẫn đồng nghĩa với nguy cơ rủi ro lớn.

Thị trường tăng khá "nóng" liên tục cũng đã khiến áp lực chốt lời gia tăng, các chỉ số dần thu hẹp đà bứt phá. VN-Index đã trải qua các phiên tăng liên tiếp dài trước sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư. Đặc biệt, trước tình trạng sản xuất cả thế giới và Việt Nam đình trệ như hiện nay, thì việc VN-Index tăng liên tục là điều rất đáng quan ngại. Và cũng là lý do, dù VN-Index tăng đều đặn hướng tới mốc 800 điểm nhưng khối ngoại liên tục bán ròng. Do vậy, người chơi, nhất là nhà đầu tư mới nên tập trung vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường, có tính ổn định, không nên tham lướt sóng ồ ạt theo trào lưu sẽ rất dễ đến “vỡ chứng" như những kỳ khủng hoảng trước.

Theo Đời sống
Chứng khoán có đà tăng mạnh trong tháng 6

Chứng khoán có đà tăng mạnh trong tháng 6

Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự phân hóa dòng tiền giữa các nhóm nhà đầu tư và các ngành trong tháng 5. Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình thấp ở các ngành công nghệ thông tin, thép,... tài chính ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
back to top