Mới đây, Bộ Tài chính có văn bản phúc đáp công văn số 105 Bộ GTVT về việc Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh VinFast xin phép nhập khẩu ô tô tay lái nghịch để nghiên cứu phát triển sản phẩm.
Theo đó, do ô tô tay lái nghịch là mặt hàng thuộc diện cấm nhập khẩu nên Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Công ty VinFast được nhập khẩu mặt hàng này phục vụ nghiên cứu phát triển sản phẩm.
Văn bản của Bộ Tài chính cũng đề nghị việc cho phép nhập khẩu phải nêu rõ chi tiết tên hàng hóa, số lượng nhập khẩu, biện pháp giám sát quản lý sau khi hoàn thành việc nghiên cứu (ví dụ: thời hạn nhập khẩu, tái xuất hay tiêu hủy sau nghiên cứu...) để thuận lợi cho công tác giám quản của cơ quan hải quan đối với hàng hóa.
Theo nhận định, việc xin phép nhập khẩu xe tay lái nghịch để nghiên cứu phát triển sản phẩm có thể là động thái nằm trong chiến lược xuất khẩu ô tô của VinFast, được Chủ tịch Tập đoàn VinGroup Phạm Nhật Vượng nói với Hãng thông tấn Bloomberg hôm 10/12/2019, rằng công ty có kế hoạch xuất khẩu ô tô vào năm 2021.
Được biết, năm 2018 một doanh nghiệp được phép nhập khẩu 6 chiếc ô tô cơ sở (khung gầm cabin) tay lái nghịch nhằm mục đích gia công cho đối tác nước ngoài.
Theo đó, công ty này sẽ nhập 6 chiếc xe cơ sở khung gầm cabin nhãn hiệu Mitsubishi Fuso Canter FE7…để gia công cho đối tác nước ngoài theo hợp đồng đã ký từ trước. 6 chiếc xe này được doanh nghiệp lý giải là nhằm lắp ráp thùng ô tô cứu hỏa lắp trên ô tô sát xi…
Tuy nhiên, để đảm bảo việc nhập khẩu này, Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp phải có biện pháp xử lý phế liệu, phế thải của công trình gia công, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; Doanh nghiệp phải tái xuất số xe kể trên trong vòng không quá 12 tháng kể từ khi hoàn thành các thủ tục hải quan tạm nhập.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng yêu cầu doanh nghiệp không được bán, chuyển nhượng, tiêu hủy hoặc tiêu dùng tại Việt Nam dưới bất cứ hình thức nào.