Việt Nam tiến hành thử nghiệm lâm sàng thuốc trị Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 10/8, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã công bố chế phẩm có tên Vipdervir, dùng để điều trị các bệnh do virus ARN (axit ribonucleic) gây ra. Thuốc có tác dụng ức chế khả năng nhân lên của nCoV trong tế bào vừa được Bộ Y tế chấp thuận phê duyệt thử nghiệm lâm sàng trên người bệnh.

PGS.TS Lê Quang Huấn, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chủ trì thực hiện công trình cho biết, Vipdervir được bào chế từ các thảo dược: Xuyên tâm liên, diếp cá, hoàng cầm, đinh hương, hòe hoa, thanh hao hoa vàng, gừng, cam thảo bắc, chùm ngây, sài hồ... Nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ tin sinh học sàng lọc các hoạt chất chính có trong các thảo dược có liên kết mạnh với các đích phân tử (là các phân tử liên quan tới quá trình xâm nhập và tăng sinh của virus SARS-CoV-2) để kết hợp tạo ra tổ hợp thảo dược Vipdervir. Vipdervir chứa các hoạt chất mang cơ chế gồm: Ngăn cản sự bám dính của virus với tế bào chủ, làm mất khả năng xâm nhập của virus vào trong tế bào chủ; Ức chế khả năng nhân lên của virus trong tế bào (đối với những hạt virus đã xâm nhập vào bên trong tế bào chủ); Kích hoạt các tế bào miễn dịch để chúng nhận biết, phong tỏa và loại trừ các hạt virus.

Chế phẩm Vipdervir đã được đánh giá độc tính cấp tại Viện Kiểm nghiệm Thuốc T.Ư và Đại học Y Hà Nội, đánh giá khả năng ức chế virus H5N1 tại Viện Công nghệ Sinh học, ức chế nCoV tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và khả năng tăng miễn dịch tại Đại học Y Hà Nội.

Theo TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ đào tạo, Bộ Y tế, sản phẩm mới hoàn thành nghiên cứu tiền lâm sàng, sau đó sẽ được đánh giá trên lâm sàng nên chưa thể coi là thuốc. Thời gian thử nghiệm theo quy định chung của thuốc mới là trong vòng 2 - 3 tháng, cũng tương tự như đối với thuốc y học cổ truyền. Tuy nhiên, do thuốc hoàn toàn sử dụng thành phần thảo dược nên Bộ Y tế cho phép bỏ qua giai đoạn 1 là đánh giá tính an toàn trên người tình nguyện, thực hiện ngay giai đoạn 2 và 3 trên bệnh nhân.

Theo Đời sống
back to top