Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất thế giới, năm 2019 dự báo tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5%. Cùng với đó, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Việc dịch chuyển các dòng vốn FDI cũng kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Để phục vụ nhu cầu này, nhiều dự án đầu tư về năng lượng tái tạo đang được triển khai, song vẫn còn một số khó khăn do lệ thuộc khá nhiều vào nguồn năng lượng hóa thạch. Do đó, bên cạnh các dự án điện như mặt trời, điện gió thì việc sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) làm nhiên liệu cho các nhà máy điện cũng là một hướng đi để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Ông Lê Hải Đăng, Trưởng ban Chiến lược phát triển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo quy hoạch Điện VII điều chỉnh, trong giai đoạn 2025 - 2030 Việt Nam sẽ cần xây mới các nhà máy điện khí LNG với tổng công suất từ 15.000 - 19.000 MW để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng trong nước.
Tuy nhiên, theo dự báo, sau năm 2020, nguồn cung khí của Việt Nam sẽ giảm do dự trữ khí trong nước giảm và do việc chậm triển khai các mỏ khí mới. Thực tế hiện nay, tất cả những dự án khí nằm trong quy hoạch của Việt Nam, như dự án Sơn Mỹ, Cà Mau, Cát Hải, Thái Bình hiện vẫn chưa được xây dựng. Chính vì vậy, Việt Nam cần nhập khẩu thêm LNG để bổ sung nhiên liệu cho các nhà máy điện ở khu vực phía Nam.
Ông Baptiste Debaene, Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty Hoegh LNG (Na Uy) cho rằng, khoảng 75% lượng LNG nhập khẩu sẽ được sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện để đảm bảo an ninh cho ngành kinh tế đang phát triển của Việt Nam. Vì thế, Chính phủ Việt Nam cần ủng hộ một khung quy định chính sách cho nhập khẩu LNG. Trong đó, cần chú trọng hài hòa hóa trong quá trình ra quyết định, những yếu tố về thuế, quy định...
"LNG được coi là nguồn tin cậy, sạch hơn so với than và việc nhập khẩu cũng đảm bảo hỗ trợ cho nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian tới" - đại diện Hoegh LNG nói.