Video: Vi phạm nồng độ cồn năm 2024 thì bị xử phạt như thế nào?
Mức phạt vi phạm nồng độ cồn được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP). Theo đó, mức xử phạt nồng độ cồn đối với xe máy và ôtô sẽ tùy thuộc vào nồng độ cồn được đo trên 100 mililít máu hoặc 1 lít khí thở.
Mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe ôtô
Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định rõ 3 mức phạt đối với người điều khiển ôtô vi phạm nồng độ cồn như sau:
- Phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng đối với nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Lái xe có thể bị phạt đến 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng nếu điều khiển xe mà nồng độ cồn vượt 0,4 miligam/1 lít khí thở. |
Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
- Phạt tiền từ 16 – 18 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
- Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Như vậy, tài xế ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt tiền cao nhất lên tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 năm.
Mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy
Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định rõ 3 mức phạt đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn như sau:
- Phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng đối nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
- Phạt tiền từ 4 – 5 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
- Phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng đối nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở
Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Như vậy, tài xế xe máy vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt tiền cao nhất lên tới 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 năm.
Vi phạm nồng độ cồn có bị giữ xe không?
Tạm giữ xe (hay tạm giữ phương tiện) là một hình thức xử phạt được quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Người có thẩm quyền xử phạt nồng độ cồn được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm nồng độ cồn kể trên.
Như vậy, vi phạm nồng độ cồn có thể bị giữ xe đến 7 ngày.
Lưu ý, đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.