Lợi nhuận phụ thuộc vào cổ tức được chia
VEAM tiền thân là Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên thuộc Bộ Công Thương, được cổ phần hóa từ năm 2014. Vốn điều lệ của VEAM hiện nay là 13.288 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Công Thương nắm giữ 88,47% tỷ lệ sở hữu của công ty.
Một trong những nhiệm vụ chính trị của VEAM là thực hiện sản xuất kinh doanh, giữ vững các sản phẩm chính là máy móc nhằm Công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, nhiều sản phẩm máy nông nghiệp của VEAM chưa được định vị trên thị trường, thiếu tính cạnh tranh. Doanh thu của VEAM chủ yếu đến từ lắp ráp, phân phối ô tô tải của Huyndai và cung cấp phụ tùng cho Honda Việt Nam.
Năm 2020, VEAM ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ là 3.667 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu thấp nhất của VEAM trong vòng 10 năm trở lại đây.
Sau khi trừ đi giá vốn, VEAM thu về được khoản lợi nhuận gộp là 187 tỷ đồng. Đây là con số khá khiêm tốn nếu so với doanh thu từ tài chính và các khoản thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia.
Trong năm 2020, VEAM thu về hơn 973 tỷ đồng từ tiền lãi gửi ngân hàng và cho vay.
Lưu ý rằng, VEAM có đến một nửa tài sản của công ty (13.265 tỷ đồng) để gửi ngân hàng với kỳ hạn 3 - 12 tháng và hưởng lãi suất tiền gửi. Trong đó, có 910 tỷ đồng được gửi có kỳ hạn tại SEABANK (một trong những cổ đông của VEAM).
Không chỉ tận dụng được dòng tiền để tối ưu hoá lợi nhuận, bù đắp cho sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu đi xuống, VEAM còn rất biết cách đầu tư khi chi vài tỷ đồng góp vốn dài hạn để thu về 5 - 7 tỷ đồng tiền cổ tức mỗi năm.
Cụ thể, VEAM đầu tư ban đầu chỉ với 288 tỷ đồng, để góp 30% vốn của Honda Việt Nam (giá trị ghi nhận sổ sách hiện nay là 3.788 tỷ đồng), nhưng thu về 5 - 7 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Cổ tức, lợi nhuận mà VEAM được chia từ Honda Việt Nam trong năm 2020 là 6.077 tỷ đồng (năm 2019 là 5.824 tỷ đồng).
Một thương hiệu ô tô khác của Nhật là Toyota Việt Nam cũng mang lại cho VEAM 876 tỷ đồng tiền cổ tức (VEAM đầu tư 20% vốn điều lệ của Toyota Việt Nam).
Nhờ những nguồn thu nghìn tỷ từ đầu tư, Bộ Công Thương cũng được chi trả cổ tức gần 5.000 tỷ đồng trong năm qua.
VEAM cũng mạnh tay chi hàng nghìn tỷ đồng để trích quỹ khen thưởng người quản lý gần 700 tỷ đồng. Thu nhập của ban lãnh đạo VEAM trong năm 2020 dao động từ 1 - 1,3 tỷ đồng/năm.
Báo cáo tài chính và nhiều dự án tù mù
VEAM được đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) vào quý 3/2016. Đến tháng 7/2018, VEAM đã đưa được cổ phiếu VEA lên giao dịch trên sàn UPCoM và có kế hoạch chuyển sang sàn HOSE ngay sau đó, nhưng không thành công.
Sang năm 2021, mục tiêu chuyển sàn của VEAM cũng khó thành do công ty còn nhiều vướng mắc về pháp lý, báo cáo tài chính còn nhiều điểm “tù mù” khó hiểu, gây khó khăn cho công ty kiểm toán.
Theo ý kiến kiểm toán trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của VEAM, công ty hiện có nhiều khoản phải thu lớn (hơn 130 tỷ đồng gồm nợ gốc và lãi) phát sinh từ nhiều năm nay. Nhưng VEAM không có bất kỳ đánh giá khả năng thu hồi.
VEAM cũng không có bất cứ đánh giá giá trị hàng tồn kho để xác định chính xác trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. VEAM không có bằng chứng đảm bảo tính đầy đủ, thích hợp, khiến công ty kiểm toán không thể xác định được chính xác, dẫn đến hàng loạt ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Phải chăng, vì quá an toàn với lợi nhuận nhiều nghìn tỷ đồng được chia từ các công ty liên kết như Honda Việt Nam, khiến VEAM không thiết tha với những khoản công nợ vài trăm tỷ, nên bao năm rồi vẫn trả lời đang rà soát, tập hợp hồ sơ? VEAM cũng không có thời gian để khảo sát thị trường, đánh giá giá trị thuần hàng tồn kho như giải trình của ban lãnh đạo?
Ngay cả khi công ty con là Công ty Matexim bị giới hạn kiểm toán, VEAM vẫn không hề có đánh giá ảnh hưởng tới kết quả hợp nhất. Trong khi đó, nhà máy sản xuất trực thuộc đã dừng hoạt động từ năm 2016, nhưng vẫn hạch toán chi phí trả trước dài hạn gần 289 tỷ đồng trong suốt những năm qua.
Hoặc một công ty con khác là Cơ khí Trần Hưng Đạo cũng có ý kiến kiểm toán ngoại trừ do không đối chiếu đầy đủ công nợ, chưa đánh giá, trích lập dự phòng đối với nợ phải thu khó đòi, chưa trích lập dự phòng giảm giá đối với hàng tồn kho lâu ngày và chưa ghi nhận tăng bổ sung tài sản dài hạn.
Trong quá trình chuyển giao tài sản Nhà máy VEAM Thanh Hóa, VEAM cũng không ghi nhận chính xác mức tăng nguyên giá, trích chiết khấu hao tài sản, khi kiểm kê không đối chiếu số liệu chi tiết của sổ kế toán với số liệu thực tế kiểm kê.
Nếu thực hiện hạch toán đúng như yêu cầu của kiểm toán, tài sản và lợi nhuận của các công ty con sẽ bị giảm đi khá nhiều, ảnh hưởng trực tiếp tới báo cáo hợp nhất của VEAM.
Thế nhưng, VEAM lại không hề có động thái đánh giá ảnh hưởng của các vấn đề khi hợp nhất báo cáo tài chính các công ty con. Vì vậy, số liệu của VEAM được ghi nhận trong báo cáo không thể phản ánh chính xác.
Trước đó, Matexim đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt đề án đầu tư xây dựng Nhà máy sắt xốp Bắc Kạn với công suất 100.000 tấn/năm. Tuy nhiên, sau khi được bàn giao hơn 60.000m2 đất thuê tại khu công nghiệp để sản xuất, Matexim không thể tiếp tục phát triển, mà để hoang từ đầu năm 2016 đến nay, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước và địa phương.
VEAM vẫn còn dở dang với Dự án Đầu tư sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung, do ông Trần Ngọc Hà, cựu Tổng Giám đốc VEAM ký duyệt năm 2016. Tổng mức đầu tư vào dự án này khoảng 57 tỷ đồng, và có nguy cơ “bốc hơi” khi ông Hà bị khởi tố cùng một loạt lãnh đạo cũ của VEAM.