Về rừng tràm Trà Sư trải nghiệm sống xanh trọn vẹn

Nếu muốn tìm nơi cảm nhận sự trong lành, sống giữa thiên nhiên xanh mướt, rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang ) sẽ là trải nghiệm phù hợp cho hành trình của du khách.

Viên ngọc xanh do con người mài giũa

Rừng tràm Trà Sư là khu du lịch sinh thái đặc biệt, nằm tại xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, cách thành phố Châu Đốc khoảng 30 km và cách thành phố Long Xuyên khoảng 64 km.

Ban đầu, rừng tràm Trà Sư chỉ là vùng trũng hoang hóa, nhiễm phèn nặng và bị xem là “đất chết”. Sau đó, năm 1983, nơi đây được Lâm trường Tịnh Biên trồng tràm thử nghiệm để cải tạo đất, ngăn lũ đầu nguồn.

Phần lõi của rừng tràm Trà Sư nhìn từ trên cao. Ảnh: Trasu Tourist Area.

Phần lõi của rừng tràm Trà Sư nhìn từ trên cao. Ảnh: Trasu Tourist Area.

Nhờ bàn tay chăm chút của lâm trường cùng sự quan tâm hỗ trợ bảo vệ môi trường sinh thái của người dân bản xứ, rừng tràm Trà Sư ngày càng phát triển. Hiện nay, với diện tích rộng gần 850 ha, đây là rừng ngập nước tiêu biểu của vùng sông Hậu, có tác dụng quan trọng đối với môi trường nước và điều hòa khí hậu cho cả vùng Bảy Núi. Rừng còn là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.

Bạn có thể tham quan rừng tràm Trà Sư bằng xuồng ba lá hoặc tắc ráng (xuồng máy). Mỗi loại đều có sự thú vị riêng. Tuy nhiên, để tận hưởng trọn vẹn cái đẹp của rừng tràm, nhiều du khách thường đi xuồng ba lá với mái chèo nhẹ nhàng khua nước êm trôi.

Ngồi trên xuồng ba lá, lướt qua những mảng xanh yên ả, tạm gác lại nhịp sống phố thị ồn ào, náo nhiệt sau lưng, thỉnh thoảng chỉ có tiếng chim vô danh vọng ra từ vòm tràm hai bên, tiếng mái chèo nhẹ khua mặt nước, du khách chắc chắn sẽ cảm thấy thư thái như lạc trôi vào vùng đất thần tiên.

Một đoạn cầu tre trong rừng tràm. Ảnh: Linh Hương.

Một đoạn cầu tre trong rừng tràm. Ảnh: Linh Hương.

Rừng tràm Trà Sư còn được phát triển để trở thành “ngôi nhà chung” - khu bảo tồn của rất nhiều lớp sinh vật nhiệt đới đang sinh sống ở vùng đất Tây Nam Bộ, nên đến đây, du khách có cơ hội “cận cảnh” rất nhiều loài thực vật độc đáo, ngoài cây tràm gần như bao phủ.

Bên cạnh đó, hệ thống động vật thủy sinh, chim trời cá nước muôn hình muôn trạng. Chính vì thế, trong chuyến tham quan, du khách sẽ không khỏi trầm trồ khi bắt gặp cảnh những đàn chim nối cánh bay lên giữa đồng nước mênh mông, ngọn tràm có vô số loài chim đang đậu hoặc hình ảnh cánh cò trắng sà xuống mặt nước kiếm ăn, vô cùng đẹp, dù chỉ trong khoảnh khắc.

Vào sâu bên trong, rừng tràm Trà Sư còn có ngọn tháp được xây dựng để người tham quan dễ dàng ngắm toàn cảnh từ trên cao của khu sinh thái. Ở đây có kính viễn vọng (tầm nhìn 25 km), bạn có thể tha hồ “mục kích” sự bạt ngàn của rừng tràm, màu xanh trải dài hút tầm mắt.

Kinh nghiệm “sống chậm” tại rừng tràm Trà Sư

Hiện nay, không có xe bus hay xe khách đi ngang tuyến đường này. Vì thế, du khách đến thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang trước, rồi thuê xe máy hoặc taxi để di chuyển. Tuy nhiên, theo nhiều bạn trẻ, xe máy sẽ là phương tiện tốt nhất, vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa phù hợp những cung đường ngoằn ngoèo dẫn vào rừng. Hành trình phượt bằng xe máy giúp du khách hít thở bầu không khí trong lành, ngắm nhìn sự hùng vĩ của núi đồi An Giang.

"Thành phố bồ câu". Ảnh: Face book du khách.

"Thành phố bồ câu". Ảnh: Face book du khách.

Để chuyến tham quan trọn vẹn, du khách nên đến An Giang trước đó một ngày, có thể kết hợp một vài điểm tham quan khác. Sau đó, bạn nên nghỉ đêm ở thành phố Châu Đốc và khởi hành đi rừng tràm vào buổi sáng hôm sau. Nếu ở lại rừng tràm đến chiều, bạn sẽ có một ngày tận hưởng hết không gian trong rừng, ăn bữa trưa với những món đặc sản miền Tây.

Vé tham quan, bao gồm toàn bộ khu rừng tràm và thưởng ngoạn cầu tre dài nhất Việt Nam trong khu sinh thái, là 100.000 đồng/người. Đây là vé bắt buộc, miễn phí với trẻ em cao dưới 1,3 m và người trên 70 tuổi.

Nếu chọn du ngoạn bằng phương tiện đường thủy, du khách có thể tham khảo dịch vụ xuồng máy hoặc xuồng chèo, đều có giá 50.000 đồng/người. Ngoài ra, các tour du lịch khám phá riêng do các công ty du lịch khai thác, khách du lịch cũng có thể tham khảo để có những trải nghiệm thú vị khác, đặc biệt là ẩm thực.

Tham quan rừng tràm bằng tuyến đường bộ trên cầu tre, bằng thuyền máy hay xuồng ba lá cũng đều là những hành trình độc đáo và du khách chắc chắn sẽ chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp giữa không gian xanh.

Trải nghiệm sống xanh trọn vẹn. Ảnh: Face book du khách.

Trải nghiệm sống xanh trọn vẹn. Ảnh: Face book du khách.

Thêm một kinh nghiệm nhỏ để không bỏ lỡ khoảnh khắc, đó là ngay gần lối vào, từ bên khu vực phòng vé chính, cách một con kênh, khách tham quan có thể nhìn thấy những ngôi nhà của chim bồ câu. Nơi đây có khoảng 400 con chim được nuôi thả trong rừng, được gọi là "Thành phố Bồ Câu". Khung cảnh sân chim khá lãng mạn, bạn có thể chụp ảnh check in, chụp ảnh cưới, cho chim ăn và nhiều hoạt động khác.

Khách thập phương cần lưu ý, mùa hè cũng là mùa mưa nên vào thời điểm này nên mang áo mưa hay ô, đề phòng những cơn mưa bất chợt. Sử dụng kem chống nắng, các sản phẩm chống côn trùng, nước uống, đồ ăn nhẹ khi vào rừng (nhớ đừng vứt rác bừa bãi và luôn giữ vệ sinh).

Cuối cùng, để chuyến đi trọn vẹn, hãy luôn tuân thủ theo quy định về bảo vệ rừng và các quy tắc về an toàn, nhất là khi đi xuồng tham quan.

Theo Đời sống
Sách là tri kỷ, người yêu bất tử

Sách là tri kỷ, người yêu bất tử

Theo các chuyên gia, sách khoa học có tính hàn lâm cao, kén độc giả. Tuy nhiên, nên coi đọc sách khoa học không chỉ là một sở thích, mà sách chính là hành trang quan trọng cho mỗi người.
back to top